Thêm cầu Hy Vọng
Trên những tuyến đường biên giới xã Vĩnh Gia, điều kiện giao thông còn nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Gia Nguyễn Văn Chính cho biết, năm 2012, địa phương cùng người dân chung tay xây dựng cầu Biên Giới để việc đi lại, giao thương của bà con được thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, do cầu xây dựng ở khu đất mềm nên có hiện tượng sụt lún, cản trở giao thông cho ghe tàu phía dưới. Cầu yếu, gây khó khăn cho việc đi lại của khoảng 250 hộ dân xung quanh, nhất là vào mùa mưa trơn trượt.
Tương tự, trên tuyến kênh Ranh - Vĩnh Hiệp, nơi tiếp giáp giữa xã Vĩnh Gia với xã Vĩnh Phú (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang), do cầu gỗ yếu, vào mùa mưa, người dân phải mất thêm vài chục phút đi đường vòng để qua được bên kia bờ kênh.
Được sự hỗ trợ của Quỹ Hy Vọng, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh đã triển khai xây dựng 2 cây cầu Hy Vọng để thay thế cho cầu Biên Giới và cầu Kênh Ranh - Vĩnh Hiệp. Mới đây, cầu Hy Vọng 168 - Kênh Ranh (ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Gia) được khánh thành, đưa vào sử dụng. Cầu được thiết kế bê-tông cốt thép, tải trọng 3 tấn, dài 33m, ngang 3m, tổng kinh phí xây dựng 400 triệu đồng.
Trong đó, UBND huyện Tri Tôn hỗ trợ 100 triệu đồng, Quỹ Hy Vọng hỗ trợ 100 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang hỗ trợ 100 triệu đồng, bà con nhân dân trong và ngoài xã Vĩnh Gia đóng góp 16,7 triệu đồng và trên 200 ngày công lao động.
Khánh thành cầu Hy Vọng 168 – Kênh Ranh
“Có được cây cầu kiên cố, bà con ở vùng giáp ranh xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn) và xã Vĩnh Phú (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản an toàn hơn, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển” - ông Chính nhấn mạnh.
Từ khi thực hiện năm 2018, chương trình cầu Hy Vọng với chủ đề “Nâng bước em tới trường” đã hoàn thành 43 cây cầu tại An Giang. Quỹ tiếp tục khởi công xây dựng những cây cầu mới tại An Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ với sự đồng hành của BEST Express Việt Nam (ủng hộ 1 tỷ đồng xây cầu Hy Vọng ở ĐBSCL). Chủ tịch Quỹ Hy Vọng Trương Thanh Thanh cho biết, phấn đấu đến hết năm 2022, Quỹ Hy Vọng sẽ tài trợ xây dựng hoàn thành 250 cây cầu nông thôn ở ĐBSCL.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Một trong những yếu tố giúp người dân vùng biên giới Vĩnh Gia yên tâm giữ vững đường biên, cột mốc là phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp cặp kênh Vĩnh Tế. Tuy nhiên, chất lượng giống lúa là vấn đề nông dân luôn quan tâm.
Nhằm kịp thời hỗ trợ hội viên, nông dân vùng giáp biên phát triển sản xuất lúa, ổn định đời sống sau đại dịch COVID-19, tại Đồn Biên phòng Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn), Hội Nông dân tỉnh vừa phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức lễ trao tặng lúa giống cho hội viên, nông dân vùng biên giới năm 2022. Đến dự có Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Võ Chí Hùng; thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh.
Theo đó, 31 hộ nông dân ở xã biên giới Vĩnh Gia đã được nhận hỗ trợ 1.240kg lúa giống OM18, bình quân mỗi hộ được nhận 40kg lúa giống. Với giá lúa giống 12.000 đồng/kg, tổng giá trị đợt hỗ trợ gần 15 triệu đồng. Tuy nguồn kinh phí không lớn nhưng đợt hỗ trợ giúp nông dân vùng giáp biên giới có nguồn lúa giống chất lượng, đạt chuẩn, góp phần tăng năng suất, hiệu quả canh tác, nâng cao đời sống, giữ vững ổn định vùng biên giới.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Gia Nguyễn Văn Chính cho biết, Vĩnh Gia là một xã biên giới có chiều dài đường biên 7,8km, giáp xã Tà Ô và xã Xom (huyện Kirivong, tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia). Trong diện tích tự nhiên 3.806ha, diện tích sản xuất nông nghiệp chiếm 3.236ha. Do vậy, thế mạnh của xã là sản xuất nông nghiệp, chủ lực là cây lúa.
“Thói quen truyền thống trước đây, người dân chủ yếu trồng giống lúa IR50404. Qua vận động của Hội Nông dân xã, các ban, ngành, ấp cùng kỹ thuật viên nông nghiệp, nông dân chuyển đổi sang những giống lúa chất lượng cao, như: OM18, OM5451, Đài Thơm 8… đem lại hiệu quả sản xuất cao hơn.
Với đợt hỗ trợ lúa giống OM18 của Hội Nông dân tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, nông dân có thêm giống lúa chất lượng để xuống giống ngay trong vụ đông xuân 2022-2023, góp phần phát triển kinh tế bền vững, xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh toàn diện” - ông Chính khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Gia Nguyễn Văn Chính, đến nay, đời sống người dân vùng biên từng bước được nâng lên, nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định, nhất là hạ tầng giao thông, điều kiện sản xuất. Do vậy, những công trình cầu nông thôn, chương trình hỗ trợ lúa giống là rất thiết thực, góp phần nâng cao đời sống người dân để bà con yên tâm bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ ổn định an ninh biên giới
|
NGÔ CHUẨN