“Trẻ em như búp trên cành...”

31/05/2019 - 07:43

 - Ngót nghét 80 năm trước, bài thơ “Trẻ con” của Nguyễn Ái Quốc ra đời, với câu mở đầu như thế. Hiện tại, khi đất nước phát triển thanh bình, việc chăm lo cho những “búp trên cành” lại càng phải được chú trọng, quan tâm, mang đến cho các em điều kiện tốt nhất để “nở rộ” ở mai sau.

Bảo đảm quyền cho trẻ em

Đó là quyền sống, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu, quyền vui chơi, giải trí... Kết quả khảo sát năm 2018 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị phối hợp, tại một số đơn vị, địa bàn trong tỉnh, cho thấy: tỷ lệ trẻ được đăng ký khai sinh đúng hạn đạt khoảng 95%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng miễn dịch cơ bản đạt 98%, việc khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi cũng được quan tâm thực hiện đồng bộ theo quy trình liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Trẻ em được bình đẳng về cơ hội tham gia vào các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi. Trẻ khuyết tật được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội, được tạo điều kiện tốt nhất để hòa nhập vui chơi, giải trí và học tập. Công tác phòng, chống xâm hại trẻ em được địa phương đặc biệt chú trọng và tập trung tuyên truyền, bằng nhiều hình thức như: tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lồng ghép tuyên truyền kiến thức phòng, tránh bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các đợt chiến dịch truyền thông cao điểm...

Những kết quả quan trọng An Giang đã đạt được, gồm: công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em được tăng cường; việc huy động, sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả; công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em được cải thiện đáng kể; đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được bảo đảm. Nhiều mô hình tốt, cách làm hay về bảo vệ trẻ em đang được triển khai hiệu quả, thiết thực.

Cần nỗ lực nhiều hơn

Không thể phủ nhận rằng, vẫn còn đó nhiều vướng mắc, tồn tại. Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vẫn còn ở mức cao. Tình trạng bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục, xâm hại trẻ em (đặc biệt là xâm hại tình dục) vẫn còn xảy ra. Công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ em chưa được chú trọng. Nguồn lực xã hội dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu... Thực trạng ấy đòi hỏi cả hệ thống chính trị, toàn xã hội cần nỗ lực nhiều hơn nữa, mới có thể làm cho “búp trên cành” phát triển toàn vẹn, bình yên.

Theo yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc những văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực và thực hiện văn hóa ứng xử học đường. Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em, từng bước hạn chế và kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích ở trẻ em; phòng ngừa, phát hiện, tố giác và xử lý các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Ngành giáo dục và đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em; chú trọng giáo dục kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích cho học sinh trong nhà trường. Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh cho biết, thực hiện Chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong ngành năm 2019, 100% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khiếm khuyết, trẻ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được tạo điều kiện học tập, chăm sóc, giáo dục tại các trường học. 100% đơn vị trường học tuyên truyền, giáo dục, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực và xâm hại tình dục, số điện thoại đường dây nóng cho học sinh và phụ huynh nhằm phát hiện, hỗ trợ kịp thời các vụ việc; tổ chức ký kết chương trình phối hợp với công an địa phương, kịp thời thông tin, xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em; có biện pháp phù hợp trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của trẻ em. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành giữa chính quyền, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là một giải pháp quan trọng. Từ sự phối hợp này, kịp thời phát hiện, nêu gương những cá nhân, đơn vị có thành tích tốt; phê phán những biểu hiện tiêu cực, việc làm thiếu trách nhiệm đối với trẻ em trên địa bàn.

Ngày 1-6 hàng năm, hàng loạt hoạt động nhân Tháng hành động vì trẻ em, Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục, Sinh hoạt hè... được tổ chức, như một minh chứng thiết thực cho việc nâng niu, chăm sóc những “búp trên cành” của toàn xã hội. Chăm sóc, bảo vệ trẻ em là nghĩa vụ lớn lao mà mỗi người lớn đều phải cộng đồng trách nhiệm, chung tay thực hiện.

KHÁNH HƯNG