“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

29/11/2021 - 07:13

 - Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là định hướng căn bản của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Sứ mệnh soi đường

Ngày 24-11-1946, tại Nhà hát lớn (TP. Hà Nội đã long trọng khai mạc Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”- Người chỉ rõ: Nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với 3 tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Đồng thời, Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.

Tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (Ảnh chụp trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát)

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa...). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mượn lời tiền nhân: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Qua đó, đã nhấn mạnh sự đồng tình với quan điểm “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc.

75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống của cha ông, dung nạp có chọn lọc những giá trị tinh hoa văn hóa thế giới, chúng ta đã xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng, thành động lực xây dựng con người mới XHCN; góp phần vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; góp phần xây dựng “Nhà nước pháp quyền XHCN”, “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”, trên nền tảng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chính nhờ phát huy giá trị văn hóa, mà đất nước ta mới có được những thành quả như hôm nay.

Khởi động và thực hiện nghi thức lễ động thổ xây dựng công trình Nhà hát tỉnh An Giang (Ảnh chụp trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát). Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, tỉnh luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, mục tiêu của phát triển; phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định biên giới. An Giang đã tích cực triển khai quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, đồng thời thực hiện một số giải pháp bảo tồn và phát huy thế mạnh, đặc trưng văn hóa An Giang. Bên cạnh đó, An Giang còn chú trọng khai thác, phát huy nhân tố con người trong phát triển văn hóa, xem đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội. Cùng với những đức tính cao đẹp của dân tộc ta, người dân An Giang với lòng nhân ái, trọng đạo nghĩa; chân chất, giản dị trong ứng xử và cuộc sống... đã tạo nên ý thức cộng đồng, gắn kết giữa cá nhân - gia đình - xã hội thành một khối đoàn kết, một sức mạnh nội sinh quan trọng trong suốt quá trình hội nhập và phát triển.

Chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cấp ủy Đảng, các ngành, các cấp cần khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.  Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước. Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa. Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.

MINH THƯ