1. Công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quy hoạch tỉnh An Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1369/QĐ-TTg, ngày 15/11/2023. Phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh An Giang, có diện tích tự nhiên 3.536,7km2, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL, có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được ấm no, hạnh phúc.
2. Lễ thông xe cầu Châu Đốc
Đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe cầu Châu Đốc
Cầu Châu Đốc và đường dẫn vào cầu thuộc Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp. Sau hơn 24 tháng thi công, công trình đã hoàn thành và vượt tiến độ 9 tháng. Công trình gồm: Phần cầu chính dài 667m, chiều rộng mặt cầu 14m, đạt chuẩn đường cấp III đồng bằng, phần đường dẫn vào cầu bờ Châu Đốc dài 730m, mặt rộng 12m; đường dẫn vào cầu bờ TX. Tân Châu dài 2.611m, rộng 12m…
Cầu Châu Đốc hoàn thành nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh An Giang nói riêng, gắn với mục tiêu đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc.
3. Khánh thành Dự án xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên
Các đại biểu cắt băng khánh thành, đưa dự án vào khai thác Dự án xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên
Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên nằm trong tổng thể quy mô chung của Dự án kết nối đồng bằng Mekong đi qua huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) và TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang), được khởi công vào ngày 18/1/2022.
Dự án có chiều dài tuyến xây dựng mới 15,3km và đoạn nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 80 khoảng 2km. Điểm đầu của dự án tại km7+877,13 kết nối với đường dẫn vào cầu Vàm Cống, từ Quốc lộ 80 đến nút giao Lộ Tẻ, sau đó vượt Quốc lộ 80 qua tuyến tránh TP. Long Xuyên, vượt Đường tỉnh 943 và sông Long Xuyên bằng cầu Long Xuyên kết nối về điểm cuối tại km23+561,22, vị trí giao với Quốc lộ 91 tại km65+000 (thuộc phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang).
Quy mô đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m, bao gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và lề đường; vận tốc thiết kế 80km/giờ; riêng đoạn cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 80 hiện hữu, đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, vận tốc 60km/giờ.
Dự án không chỉ giúp giảm tải giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông qua trung tâm TP. Long Xuyên, kết nối An Giang với vùng ĐBSCL, mà còn mang lại lợi ích cho khoảng 1,5 triệu người ở TP. Cần Thơ và TP. Long Xuyên, trong đó có 50% là phụ nữ và trẻ em gái, thông qua tiếp cận thương mại, dịch vụ, việc làm.
4. Huyện Thoại Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thoại Sơn
Từ nền tảng là huyện đạt chuẩn nông thôn mới, được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2018, huyện Thoại Sơn đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vận dụng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo hiệu quả và đặc biệt là sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện bộ tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Với những kết quả và thành tựu đạt được, ngày 01/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 750/QĐ-TTg công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023. Thoại Sơn tự hào là một trong những huyện đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao, đạt sớm so Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra.
5. Tổ chức thành công Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2024 - 2029)
Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2024 - 2029 ra mắt đại hội
Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, đại hội đã thống nhất hiệp thương dân chủ cử 93 ủy viên nhiệm kỳ 2024 - 2029 và cử đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X. Tại phiên họp đầu tiên, UBMTTQ Việt Nam tỉnh khóa mới đã hiệp thương cử 3 Ủy viên Ban Thường trực. Bà Đặng Thị Hoa Rây đắc cử chức Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, gồm: Ông Bùi Văn Tặng và bà Hà Minh Trang...
Nhiệm kỳ 2024 - 2029, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên trong tỉnh tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động; thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
6. Hội thảo khoa học quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”
Chủ tọa hội thảo
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang khẳng định, công trình kênh Vĩnh Tế là minh chứng cho sự sáng suốt, tài tình của tiền nhân trong chinh phục thiên nhiên, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, khai khẩn vùng đất phương Nam, phát triển kinh tế, bang giao và củng cố sức mạnh quốc phòng.
Hội thảo khoa học quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai” nhằm làm rõ vai trò lịch sử của kênh Vĩnh Tế đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền, giữ vững quốc phòng - an ninh ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Qua đó, đề ra những giải pháp nhằm phát huy giá trị kênh Vĩnh Tế cho khu vực trong tương lai.
7. Lễ kỷ niệm “200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế” và tưởng niệm 198 năm Ngày mất của bà Châu Thị Tế
Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 - 2024) là hoạt động thiết thực nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, đồng thời giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của vùng đất phương Nam, ghi dấu cho quá trình hình thành tỉnh An Giang (ngày 22/11/1832).
Kênh Vĩnh Tế hình thành tạo điều kiện cho giao lưu kinh tế, góp phần đưa Châu Đốc từ một cứ điểm quân sự từng bước trở thành khu kinh tế đầu mối kết nối với Hà Tiên (Kiên Giang) với Chân Lạp, Vĩnh Thanh, Gia Định. Giai đoạn hiện nay, vai trò của kênh Vĩnh Tế ngày càng được khẳng định. Công trình này không chỉ giữ vai trò kết nối giao thông thủy bộ giữa các tỉnh trong khu vực mà còn được xem là “kênh mẹ” để hình thành các kênh T5, T4, T3, biến vùng Tứ giác Long Xuyên từ hoang hóa, nhiễm phèn nặng thành vùng sản xuất trù phú, trọng điểm sản xuất lương thực vùng ĐBSCL và của cả nước.
Với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh An Giang kính cẩn tri ân các bậc tiền nhân đã cống hiến xương máu, sức lực, tài năng, trí tuệ để lại cho con cháu hậu thế công trình kênh Vĩnh Tế mang tầm vóc chiến lược toàn diện, có giá trị to lớn, góp phần cho sự nghiệp mở cõi, giữ đất miền biên viễn Tây Nam của Tổ quốc.
8. Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng chia sẻ: “Với chủ đề “An Giang: Không gian mới - Giá trị mới” như là một thông điệp tỉnh An Giang mong muốn truyền tải đến tất cả nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước những giá trị, nội dung cốt lõi của Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tỉnh An Giang mong muốn có cơ hội được quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa, lịch sử, những sản phẩm đặc trưng của địa phương thông qua không gian trưng bày tại hội nghị”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng chụp hình lưu niệm cùng các doanh nghiệp trao biên bản hợp tác nghiên cứu khảo sát đầu tư tại An Giang
Với phương châm “Sự thành công, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công và phát triển của tỉnh”, An Giang luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, đồng thời cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để biến ý tưởng của nhà đầu tư và các mục tiêu trong quy hoạch tỉnh thành hiện thực…
Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang là sự kiện quan trọng nhằm tạo cơ hội tiếp xúc, gắn bó giữa tỉnh An Giang và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cùng chung tay xây dựng, phát triển một không gian mới, một vùng đất không những có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ, mà còn là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và du lịch hấp dẫn.
9. Phối hợp tổ chức thành công Diễn đàn Mekong Connect năm 2024
Diễn đàn Mekong Connect năm 2024, với chủ đề “Mekong Connect 2024 - Diễn đàn đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng ĐBSCL - TP. Hồ Chí Minh và cả nước hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới” sẽ diễn ra từ ngày 17 - 18/12, tại Trường Đại học An Giang. Diễn đàn do UBND tỉnh An Giang và UBND TP. Hồ Chí Minh đồng chủ trì, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo trợ.
Thông qua diễn đàn, tỉnh An Giang mong muốn chuyển thông điệp mạnh mẽ đến lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh, các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước. An Giang sẵn sàng hợp tác và chia sẻ có trách nhiệm với tất cả các bên trong tất cả các lĩnh vực từ việc huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, hợp tác phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh yếu tố liên kết vùng, phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, quản lý nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững…
Diễn đàn Mekong Connect năm 2024 diễn ra chuỗi sự kiện chính, như: Lễ khai mạc chuỗi hoạt động Mekong Connect 2024; ngày hội quốc tế khởi nghiệp xanh; phiên livestream bán hàng; hội thảo chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa và kinh tế địa phương qua liên kết vùng trong bối cảnh cạnh tranh mới”. Qua đó, nhằm quảng bá hình ảnh du lịch, đầu tư, số hóa, chuyển đổi số, đặc sản, sản phẩm OCOP cùng các thành tựu, sáng kiến, giải pháp, mô hình kinh doanh, sản phẩm mới theo các xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số của tỉnh An Giang, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL.
10. Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Ngày 4/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 19 Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Paraguay, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam của Việt Nam đã chính thức được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại TP. Châu Đốc, diễn ra từ ngày 22 đến 27/4 (âm lịch). Đây là lễ hội phản ánh thực hành tín ngưỡng và hoạt động văn hóa tâm linh của cư dân địa phương, mang tính cộng đồng cao. Đồng thời, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Việt trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với cộng đồng người các dân tộc Khmer, Hoa, Chăm...
Với việc ghi danh này, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh, Di sản văn hóa phi vật thể thứ 2 của khu vực Nam Bộ (cùng với Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ) và là lễ hội truyền thống đầu tiên của đất phương Nam được đón nhận vinh dự này.
Điều này, khẳng định giá trị, tầm quan trọng của lễ hội trong đời sống tinh thần sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng không chỉ ở Nam Bộ, mà còn cả dân tộc Việt Nam và có sự gắn kết cộng đồng quốc tế. Việc ghi danh sẽ tạo thêm nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững ở địa phương, cộng đồng dân cư.
TRUNG HIẾU