2 năm tù vì chỉ đạo nâng khống chứng từ quyết toán để chiếm đoạt tiền

10/05/2021 - 07:29

 - Khi được phân công đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện, Nguyễn Thị Yến (sinh năm 1982, thị trấn An Phú) đã chỉ đạo Huỳnh Kim Huệ (sinh năm 1979, ngụ xã Vĩnh Hội Đông), Nguyễn Thị Minh Thư (sinh năm 1976, ngụ xã Vĩnh Trường), Mai Thị Thùy Linh (sinh năm 1980, ngụ xã Vĩnh Lộc) và Tô Thị Kim Xuyên (sinh năm 1990, ngụ thị trấn An Phú, huyện An Phú) là nhân viên cấp dưới dùng các thủ đoạn gian dối để thực hiện việc chiếm đoạt tiền nhà nước chia nhau tiêu xài.

Từ tháng 9-2015 đến tháng 9-2016, Yến đã chỉ đạo Huệ (Phó Chủ tịch Hội LHPN kiêm kế toán), Thư (Phó Chủ tịch Hội LHPN kiêm thủ quỹ), Xuyên (kế toán) và Linh (thủ quỹ từ tháng 3-2016 đến 8-2016) lập chứng từ rút các nguồn kinh phí được cấp tại Kho bạc Nhà nước huyện An Phú (Kho bạc huyện). Sau đó, lập chứng từ quyết toán khống hoặc nâng khống số tiền thực chi thông qua việc: lập danh sách khống một phần hoặc toàn bộ số người tham dự, số báo cáo viên, tiền bồi dưỡng khi tham dự; mua hóa đơn để chi trả cao hơn hoặc chi khống số tiền thuê hội trường, trang thiết bị phục vụ…

Huệ cùng Xuyên lập, ký chứng từ kế toán; Thư, Linh rút tiền từ kho bạc, quản lý, chi tiền, ký thủ quỹ; Linh mua hóa đơn khống nội dung để hợp thức hóa chứng từ. Số tiền được quyết toán khống, Yến chỉ đạo sử dụng chi cho các hoạt động khác của đơn vị; tặng quà biếu và chiếm đoạt tiền chia nhau tiêu xài cá nhân.

Cụ thể, từ ngày 19-10-2015 đến 28-4-2016, Yến chỉ đạo cho Huệ, Xuyên lập dự toán trình Yến ký chủ tài khoản, Thư và Linh đến Kho bạc huyện rút 6 nguồn kinh phí được cấp về nhập quỹ đơn vị, với tổng số tiền trên 280 triệu đồng. Trong đó, Hội LHPN huyện thực chi hơn 111 triệu đồng, còn lại hơn 169 triệu đồng thì Yến chỉ đạo cho Huệ, Thư, Xuyên, Linh nâng khống chứng từ quyết toán. Số tiền quyết toán khống, Yến chỉ đạo chi không đúng nguyên tắc (chi hoạt động khác của đơn vị) hơn 114 triệu đồng, còn lại 55 triệu đồng chiếm đoạt chia nhau tiêu xài.

Các bị cáo nghe tuyên án

Ngoài 6 nguồn kinh phí liên quan hành vi chiếm đoạt nêu trên, từ ngày 15-6-2016 đến 5-8-2016, Yến chỉ đạo Huệ, Xuyên lập dự toán trình Yến ký chủ tài khoản, rồi giao Linh đến Kho bạc huyện rút 4 nguồn kinh phí được cấp với tổng số tiền gần 224 triệu đồng nhập quỹ đơn vị và chỉ đạo Huệ, Xuyên, Linh nâng khống chứng từ để quyết toán hết. Cụ thể, thực chi gần 147 triệu đồng, còn lại hơn 77 triệu đồng, Yến chỉ đạo gửi tiết kiệm 50 triệu đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú và chi hoạt động khác cho đơn vị hơn 27 triệu đồng, không chiếm đoạt.

Ngày 27-12-2016, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy An Phú kiểm tra phát hiện sai phạm và có văn bản kiến nghị khởi tố. Ngày 4-1-2018 và 27-8-2018, Yến, Huệ, Thư, Linh và Xuyên bị khởi tố, điều tra. Trong quá trình Ủy ban Kiểm tra huyện ủy An Phú làm việc và trong quá trình điều tra vụ án, Yến, Huệ, Thư, Linh và Xuyên tự nguyện nộp tiền chiếm đoạt để khắc phục hậu quả gần 180 triệu đồng.

Ngoài ra, các chủ cửa hàng, hiệu sách xuất bán cho Hội LHPN huyện An Phú tổng cộng 20 hóa đơn khống, nhưng không biết Hội LHPN huyện sử dụng hóa đơn khống chiếm đoạt tiền nhà nước, tự nguyện nộp lại số tiền thuế trên hóa đơn và Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện An Phú nộp 5 triệu đồng do Hội LHPN huyện chúc Tết Nguyên đán năm 2016.

Tòa án nhân dân huyện An Phú đưa 5 bị cáo ra xét xử sơ thẩm công khai. Ngoài 4 bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội phù hợp nội dung cáo trạng truy tố, bị cáo Thư không đồng ý một số nội dung được nêu trong cáo trạng và cho rằng, bị cáo không có bàn bạc gì về số tiền được chia, tất cả là theo chỉ đạo của Yến, bị cáo không tham gia nâng khống chứng từ bất cứ nguồn nào. Thời gian bị cáo làm thủ quỹ, sổ sách được ghi rõ ràng, hàng tháng có bảng kê trình Yến. Thấy việc làm không đúng của Yến, bị cáo có khuyên nhưng Yến không nghe nên bị cáo từ chối không làm thủ quỹ…

Hội đồng xét xử nhận định: “Các bị cáo là  những người có chức vụ quyền hạn; nhận thức được việc kê, nâng khống chứng từ để chiếm đoạt tiền ngân sách là vi phạm pháp luật. Nhưng vì vụ lợi, các bị cáo đã cố ý thực hiện. Theo trình bày của các bị cáo Huệ, Thư, Xuyên, Linh thì việc kê, nâng khống chứng từ, ký tên vào các chứng từ quyết toán, chi tiền chia nhau… là theo sự chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị (bị cáo Yến).

Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của các bị cáo và việc các bị cáo chia nhau người xây dựng kế hoạch, người kê, nâng khống chứng từ, người mua hóa đơn… xảy ra trong một thời gian dài, nâng khống một phần hoặc nâng khống toàn bộ các khoản chi nhiều nguồn kinh phí để chiếm đoạt số tiền dôi ra cho thấy sự đồng thuận của các bị cáo. Khi cơ quan chức năng làm việc, các bị cáo Yến, Huệ, Xuyên, Linh còn làm giả sổ sách, liên tục thay đổi lời khai nhằm đối phó.

Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của nhà nước, ảnh hưởng uy tín của cán bộ và là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi của các bị cáo làm ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín cán bộ, công chức; gây dư luận xấu, sút giảm lòng tin trong nhân dân”.

Tòa án nhân dân huyện An Phú quyết định xử phạt bị cáo Yến 2 năm tù giam và cấm đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn 2 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính. Bị cáo Huệ 1,5 năm tù; Thư, Linh và Xuyên, mỗi bị cáo 1 năm tù cùng về tội “Tham ô tài sản” nhưng cho 4 bị cáo được hưởng án treo. Đồng thời, thử thách 2-3 năm tính từ ngày tuyên án và giao các bị cáo cho UBND nơi cư ngụ giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Ngoài ra, cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn 1 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính.

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG