Khổ qua (hay còn gọi là mướp đắng) là cây leo thuộc họ Bầu bí, có quả ăn được, quả thuộc loại đắng nhất trong các loại rau quả
Quả của cây mướp đắng có hình thoi dài, mặt ngoài có nhiều u lồi. Quả non màu vàng xanh, quả chín màu vàng hồng, chứa nhiều hạt dẹt có màng bao xung quanh
Quả mướp đắng được chế biến thành khá nhiều món ngon, ví dụ như mướp đắng xào trứng, mướp đắng nhồi thịt, canh mướp đắng, gỏi mướp đắng...
Theo Đông y, quả mướp đắng có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, giải độc thích hợp để chế biến món ăn trong mùa hè. Hoa tính mát, hỗ trợ phòng ngừa viêm loét dạ dày. Lá cây cũng giúp thanh nhiệt, giải độc
Ngoài ra, quả mướp đắng còn chứa hàm lượng vitamin C phong phú thuộc hàng đầu trong các loại rau quả. Sử dụng hàng ngày có thể giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, chống lại tế bào ung thư. Đồng thời, nó còn giúp cơ thể ngăn chặn quá trình oxy hóa, làm chậm sự lão hóa, hạn chế các nguy cơ bệnh lý về tim mạch, tổn thương thần kinh...
Tuy mướp đắng có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng do nó có tính hàn nên rất kỵ những người mắc chứng tỳ vị hư hàn (nghĩa là tỳ dương (lá lách), vị dương (dạ dày) bị yếu, lạnh)
Phụ nữ có thai cũng không nên dùng vì mướp đắng có thể gây co thắt cơ tử cung và xuất huyết dẫn tới hư thai hoặc sinh non. Việc sử dụng mướp đắng thường xuyên còn khiến ức chế sự thụ thai ở tử cung, có hại cho người phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, mong muốn có con
Một số thử nghiệm trên chuột cũng cho thấy tác dụng gây độc của mướp đắng ở liều cao và kéo dài (Đặc biệt, hạt của mướp đắng còn chứa một số chất độc có thể gây nhức đầu, đau bụng, hôn mê). Cho nên liều khuyên dùng trong ngày khoảng 200 - 300g mướp đắng tươi hoặc 30 - 60g mướp đắng khô
Ngải cứu còn gọi là ngải diệp, thuốc cứu. Lá ngải cứu thu hái quanh năm có thể làm rau ăn bổ dưỡng
Theo y học cổ truyền, ngải cứu có vị đắng, mùi thơm, tính ấm, được sử dụng để chữa trị trong các trường hợp: Phụ nữ kinh nguyệt không đều, ghẻ lở, viêm da, dị ứng, viêm gan, trừ giun, điều hòa khí huyết, ôn kinh, an thai, đau bụng do lạnh, nôn mửa, kiết lỵ…
Do đó, ngải cứu được chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng như ngải cứu tần gà, trứng ngải cứu, cháo ngải cứu, nấu lẩu ăn. Ngoài ra, ngải cứu sắc uống cùng gừng tươi, quế... trị đau bụng rất hiệu quả
Tuy ngải cứu có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh nhưng không nên dùng nhiều vì có thành phần độc tố. Theo các chuyên gia, người bình thường chỉ nên ăn ngải cứu từ 1-2 lần/tuần. Đối với người không có bệnh, không nên sử dụng nước ngải cứu như một thứ nước thường xuyên giống như nước trà. Đối với người có bệnh, khi dùng lá ngải cứu sắc uống thay trà, chỉ nên sử dụng khoảng 3 - 5g khô (9 - 15g tươi) và dùng theo từng đợt, khỏi bệnh thì ngừng
Đặc biệt, dù ngải cứu có tác dụng an thai nhưng các chuyên gia khuyên mẹ bầu không nên lạm dụng, nhất là 3 tháng đầu thai kỳ. Trường hợp động thai, cách tốt nhất là mẹ bầu nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng và kịp thời
Trường hợp người bị viêm gan hoặc người bị rối loạn đường ruột cấp tính cũng được khuyên nên tránh xa món có ngải cứu. Do một số dược chất có trong ngải cứu kỵ với cơ thể người mang những bệnh trên, nếu ăn có thể khiến bệnh tình khó kiểm soát và ngày một trầm trọng hơn
Mắng tây là loại rau ngon, được mệnh danh là "hoàng đế" dinh dưỡng của các loại rau. Loại thực phẩm này có nguồn gốc từ châu Âu và mới du nhập vào Việt Nam những năm gần đây
Có 3 loại măng tây là măng tây tím, măng tây trắng và măng tây xanh. Măng tây trắng có đặc điểm là mềm hơn măng tây xanh và mùi vị dễ chịu hơn. Nhưng măng tây xanh lại chứa nhiều chất xơ hơn măng tây trắng. Còn măng tây tím thì giống măng tây trắng nhưng vị ngọt hơn 2 loại còn lại
Tuy nhiên, hiện nay măng tây xanh là phổ biến nhất. Loại này có vị hơi đắng nhưng hàm lượng dinh dưỡng rất cao, nó chứa nhiều chất như: Chất xơ, protein, gluxit và các vitamin như: A, C, K, B1, B2, B6, axitphuric… và đặc biệt là chất Innulin, có tác dụng rất tốt cho hệ thống ruột. Ngoài ra, trong măng tây có đến 1/4 khối lượng của nó chứa các chất khoáng cần thiết cho cơ thể con người như: Canxi, kali, kẽm, magiê
Nếu biết chế biến, măng tây xanh sẽ là món ăn ngon, phù hợp với khẩu vị của nhiều lứa tuổi. Các món chế biến từ loại thực phẩm trên rất đa dạng, ví như có măng tây cuốn thịt ba chỉ rán, măng tây nấu xốt cá, salad măng tây, soup măng tây... Tuy nhiên món phổ biến, dễ chế biến mà để cảm nhận được vị ngon của măng tây nhất là măng tây xào tỏi hay măng tây xào thịt bò
Ngoài là thực phẩm dùng để chế biến nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng, măng tây còn là vị thuốc có nhiều công dụng trong việc điều trị bệnh liên quan đến tim mạch, đường ruột... Tuy nhiên, các trường hợp dùng măng tây để chữa bệnh đều nên hỏi ý kiến của bác sĩ và tư vấn của thầy thuốc trước khi sử dụng
Theo NHƯ QUỲNH (An Ninh Thủ Đô)