Mạch nguồn cách mạng nơi chiến khu xưa
Vào những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi trở về với buôn làng, những “cái nôi” nuôi dưỡng phong trào đấu tranh cách mạng tại Lâm Đồng, để được ngắm nhìn sự đổi thay trên từng cung đường, nếp nhà. Những vùng căn cứ và chiến khu xưa một thời nhuốm màu cỏ cháy, giờ đã trở thành miền xanh thanh bình và ấm áp.
Sáng sớm, cung đường nối thành phố hoa Đà Lạt và phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) nhuộm nắng vàng tơ. Từ khi quốc lộ 27C chạy ngang qua xã Đạ Chais đã tạo cho vùng đất anh hùng thế phát triển mới; không còn là xứ tách biệt, thâm u của chừng 20 năm trước. Đạ Chais bây giờ là xã nông thôn mới của huyện Lạc Dương.
Trong ngôi nhà sàn truyền thống, cựu chiến binh, già làng Ha Brai đang tranh thủ đan những chiếc gùi phục vụ cho mùa lúa mới. Nhắc lại chuyện xưa, già Ha Brai như bắt được mạch nguồn: Thời kháng chiến, Đạ Chais có vị trí chiến lược quan trọng, nằm trên đường hành lang nối các tỉnh nam Tây Nguyên với Khánh Hòa, Ninh Thuận. Từ đây có thể thâm nhập, liên lạc đến các vùng trong huyện Lạc Dương, Đơn Dương và TP Đà Lạt. Ngày đó, tất cả bà con ở các buôn làng Đồng Mang, Đạ Tro, Đưng K’Si, KLong KLăn đều nhất tề theo cách mạng, tham gia kháng chiến. Con gái, con trai biết cầm con dao là biết vót chông; lớn hơn thì cầm súng tham gia du kích hoặc bộ đội; người già thì lên nương trồng tỉa để lấy lương thực nuôi quân. Cho chúng tôi xem vết sẹo ở chân, “chứng tích” thời kháng chiến, già kể tiếp: “Xưa kháng chiến khổ lắm. Nhưng bà con mình một lòng theo Đảng, theo cách mạng để bảo vệ Tổ quốc, mang lại cuộc sống ấm no cho buôn làng, không sợ cái gì đâu”.
Cách nhà già Ha Brai không xa, trong ngôi nhà khang trang bên triền thung, cựu chiến binh Cil Ha Nhưng đang sửa soạn lại những tấm bằng khen, huân chương kháng chiến để tìm chỗ treo trang trọng. Ông Ha Nhưng đã gần 70 “mùa rẫy”. Hồi đôi mươi, ông đã tham gia cách mạng, rồi vào bộ đội đến ngày giải phóng. Nghe tôi hỏi chuyện, ông kể: “Ồ, người như mình ở Đạ Chais này nhiều lắm. Nhẩm không hết chuyện của làng kháng chiến này đâu. Giờ bà con mình lo giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế, chăm lo cho con em ăn học, chung tay xây dựng buôn làng giàu đẹp”.
Gác lại chuyện xưa, giờ đây, bên bếp lửa bập bùng khi chiều xuống, những con người của một thời như thế ở Đạ Chais cùng nhau sẻ chia phương thức làm ăn mới, chuyện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh. “Hiện nay, cơ sở giáo dục, y tế trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia, đời sống người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 39 triệu đồng/năm. Đó chính là sự tiếp nối mạch nguồn cách mạng của xã anh hùng”, Chủ tịch UBND xã Đạ Chais Thân Văn Nghiên cho biết.
Xã anh hùng Sơn Điền, huyện Di Linh nằm bên dòng Đạ Tianhil hiền hòa. Miền đất hoang vu, nghèo khó một thuở giờ đã khác. Giữa không gian yên bình, những mái nhà tựa vào nhau bên triền thung, những rẫy cà-phê ngát xanh cùng hàng dài ruộng lúa dập dờn như sóng. Tận mắt chứng kiến khung cảnh thanh bình này, ít ai biết rằng, trên miền quê đầy sức sống hôm nay, chỉ hơn 40 năm trước còn là vùng chiến địa ác liệt.
Trước sân nhà cựu chiến binh K’Mùng, người có tên trong danh sách 140 người tham gia cách mạng của chiến khu Sơn Điền năm xưa, chúng tôi được chỉ xem những địa danh gợi lên nhiều cảm thức một thời binh lửa như: dốc B40, đồi Mỹ, khe Máu… Giờ đây, hằng đêm, trong ánh điện tỏa sáng, những người con Cơ Ho trên miền đất anh hùng ở các buôn làng Ka Liêng, Bó Cao, Bờ Nơm, Con Sỏh… phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau làm ăn phát triển kinh tế, lo cho con cháu cái chữ. Già K’Mùng chậm rãi: “Xưa, vùng này hoang vu, nghèo khó. Giờ, nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, đã có đường nhựa, có điện, có trường học và trạm xá. Đời sống bà con khá lên nhiều rồi”.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, lịch sử vùng đất nam Tây Nguyên mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn và nghĩa tình sâu nặng của đồng bào và chiến sĩ cả nước. Càng không thể nào quên những năm tháng kháng chiến gian khổ và ác liệt, đã có hàng nghìn người con ưu tú đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, trong đó có nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu của mình trên mảnh đất cao nguyên này. “Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập trước đây, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng luôn nắm vững tình hình, hiểu rõ đặc điểm của từng thời điểm lịch sử để quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương” - Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết.
Trở lại miền đất Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên; về với bà con buôn làng người Mạ, X’Tiêng phía thượng nguồn sông Đồng Nai vào mùa vụ mới. Gió lồng lộng trên những cung đường qua buôn làng Đạ Cọ, Bù Sa, Bê Đê đến Bi Nao, Bù Gia Rá, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của miền đất quanh năm ủ trong mây, được ví là ốc đảo giữa đại ngàn một thuở.
Cách đây chừng 10 năm, ai vượt được Đồi Mây lên “cổng trời” Bù Sa Lu Xiên, đều trở thành những vị khách cực quý của buôn làng. Châm tách trà mời khách, cựu chiến binh, già làng Điểu K’Lộc kể, cuối những năm 1960, vùng này chỉ vỏn vẹn mấy nóc nhà dài, nhưng đồng bào Mạ, X’Tiêng một lòng theo cách mạng, cầm súng chiến đấu bảo vệ buôn làng, bảo đảm an toàn cho cán bộ khu ủy.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mảnh đất này là vùng căn cứ quan trọng thuộc chiến khu D. Sau ngày đất nước thống nhất, một lần nữa người dân Đồng Nai Thượng lại bắt đầu cuộc chiến chống lại đói nghèo và giờ là xây dựng cuộc sống ấm no. “Lúc này đây, đi một vòng quanh các buôn làng mới thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; mới hiểu được sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới”, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng Điểu Thị Prợt cho biết.
Cát Tiên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ là vùng căn cứ cách mạng, một phần của chiến khu D, nơi đóng chân của Khu ủy Khu 6 và Khu 10. Đây là nơi tiếp nhận, chuyển tải sức người, sức của, phương tiện chi viện cho chiến trường Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, góp phần bảo vệ an toàn đường hành lang chiến lược bắc - nam. Từ một huyện nghèo, vùng sâu, xa nhất tỉnh, giờ Cát Tiên đã đổi thay vượt bậc. Tất cả bảy xã được công nhận xã nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người hơn 50 triệu đồng/năm và đặt mục tiêu về đích huyện nông thôn mới trong năm 2020.
“Đảng bộ Lâm Đồng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tiếp thu những bài học kinh nghiệm của cha ông, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng chiến khu xưa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp từ T.Ư đến địa phương; nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết.
Theo MAI VĂN BẢO (Báo Nhân Dân)