5 tháng, giải ngân vốn FDI tăng cao

28/05/2022 - 13:43

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong khi nguồn vốn đầu tư công tại hầu hết các địa phương đang giải ngân "ì ạch" thì các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Một góc Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP1), thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ảnh minh họa: Chí Tưởng/TTXVN

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới; đặc biệt, đối với các nước đang phát triển, đầu tư nước ngoài đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế vì đây là ngoại lực bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả của nguồn vốn FDI, yêu cầu đặt ra là các địa phương phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI. Việc giải ngân vốn FDI cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/5/2022, tổng vốn FDI (đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài) trong 5 tháng đầu năm giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2021 khi đạt 11,71 tỷ USD.

Theo đó, vốn đăng ký mới giảm 53,4% so với cùng kỳ, nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vẫn tăng mạnh lần lượt là 45,4% và 51,6%.

Cụ thể, có 578 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 5,7% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 4,12 tỷ USD (giảm 53,4% so với cùng kỳ); có 395 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 15,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 5,61 tỷ USD (tăng 45,4% so với cùng kỳ); có 1.339 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 5,8% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên 1,98 tỷ USD (tăng 51,6% so với cùng kỳ).

Mặc dù nguồn vốn đăng ký mới giảm trong vài tháng nay, song theo Tổng cục Thống kê, tín hiệu đáng mừng là vốn điều chỉnh (đây chính là phần mở rộng vốn bổ sung của nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam); vốn góp, mua cổ phần (con số này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam) vẫn tăng lên.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, con số này phản ánh đúng xu hướng chung của sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế nhất là trong bối cảnh chiến tranh Nga – Ukraine và dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 6,8 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành thông tin truyền thông; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 398 triệu USD và gần 374,8 triệu USD.

Về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 29,6%, 25,6% và 17,5% tổng số dự án.

Trong 5 tháng đầu năm, đã có 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, chiếm 25,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 43,8% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 2,06 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư, tăng 12,6% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn đầu tư.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 48 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 5 tháng đầu năm 2022. Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,52 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,65 tỷ USD, chiếm 14,1% tổng vốn. Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,3 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn và giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (40,3%), số lượt GVMCP (67,9%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (13,69 sau Hà Nội là gần 17%)…

Theo THÚY HIỀN (TTXVN)