Thói quen ngủ đúng giờ
Bài viết của BS Phạm Thanh Phương trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, đồng hồ sinh học vận hành tốt khi mọi người hoạt động theo ánh sáng, thức dậy khi mặt trời mọc và ngủ nhanh trong môi trường tối. Đồng hồ sinh học rối loạn sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, béo phì, cao huyết áp, mỡ máu cao, tiểu đường.
Vì vậy, chúng ta nên đi ngủ đúng giờ giúp khỏe mạnh và sống thọ hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy từ 21 giờ là thời điểm cơ thể bắt đầu cần được nghỉ ngơi, thư giãn để có giấc ngủ chất lượng vào 1 - 2 giờ sau đó. Duy trì giờ đi ngủ một cách đều đặn, khoa học sẽ giúp các bộ phận trong cơ thể và hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả nhất.
Như vậy, có thể thấy 22 - 23 giờ là thời điểm tốt nhất để cơ thể cần có giấc ngủ say, điều này sẽ giúp các chức năng được phục hồi, cải thiện sức khỏe hệ miễn dịch, bảo vệ sức khỏe gan, tim mạch, ngăn ngừa lão hóa.
Luôn suy nghĩ tích cực
Suy nghĩ tích cực có thể đem đến nhiều ích lợi về sức khỏe cũng như giúp giảm căng thẳng và nguy cơ mắc bệnh tim cùng nhiều bệnh tật khác. Đặc biệt, suy nghĩ tích cực còn giúp sống lâu hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Suy nghĩ tích cực thường có xu hướng giảm bớt rủi ro tử vong vì một số bệnh như ung thư, bệnh tim mạch, hô hấp, đột quỵ. Ngược lại nếu tiêu cực, lo lắng sẽ dẫn đến hệ lụy tim mạch, tăng huyết áp, trầm cảm. Ghi nhận cho thấy những người sống trên 100 tuổi đều có đầu óc lạc quan, yêu đời, ít bon chen, ganh đua, nóng giận, tham sân si. Tất cả những phương pháp tĩnh tâm như yoga, thiền, khí công đều tốt cả. Không nên tìm cách giải trí bằng uống rượu, cờ bạc gây căng thẳng trí não.
Suy nghĩ tích cực có thể đem đến nhiều ích lợi về sức khỏe cũng như giúp giảm căng thẳng. (Ảnh minh hoạ)
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Những người sống lâu thường ăn nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, các loại hạt. Chế độ ăn của họ thường ít thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, thay vào đó là các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, ít calo. Điều này giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư.
Duy trì hoạt động thể chất
Ngoài chế độ ăn uống, hoạt động thể chất đều đặn là thói quen quan trọng. Họ thường xuyên tham gia các hoạt động như đi bộ, làm vườn, hay tập thể dục nhẹ nhàng.
Những hoạt động này không chỉ giúp duy trì cơ bắp, xương chắc khỏe, mà còn cải thiện hệ thống tim mạch, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, nâng cao tinh thần.
Người sống thọ không nhất thiết phải tập luyện ở cường độ cao, họ duy trì vận động nhẹ nhàng, đều đặn hàng ngày.
Không hút thuốc
Báo VnExpress dẫn nguồn trang BestLife cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nghiện thuốc lá gây tử vong tới 50%. Một nghiên cứu về thói quen hút thuốc của người trăm tuổi giải thích, hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong và khuyết tật, là nguyên nhân của nhiều bệnh mãn tính thường gặp ở người cao tuổi. Theo đó, 83,8% những người sống đến 100 tuổi chưa bao giờ hút thuốc.
"Sự kết hợp của hút thuốc cùng với các yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp và tiểu đường làm tăng tần suất bị bệnh và tàn tật, cũng như làm tăng tỷ lệ tử vong", nghiên cứu đăng trên Thư viện y khoa Mỹ, năm 2004, cho biết.
Nghiên cứu cũng cho thấy chỉ có 2,7% số người sống đến 100 tuổi là những người hút thuốc.
Ăn nhẹ vào buổi tối
Nếu như buổi tối ăn quá nhiều thực phẩm, ăn muộn có thể gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa, ảnh hưởng đến giấc ngủ, thậm chí sẽ gây béo phì và hệ lụy các bệnh tật liên quan đến chuyển hóa. Vì vậy muốn sống thọ, sống khỏe nên ăn nhẹ, ăn sớm hơn ít nhất 2 – 3 giờ trước khi đi ngủ để cho cơ thể có đủ thời gian tiêu hóa thức ăn.
Bữa tối nên ăn nhẹ lựa chọn các thực phẩm ít chất béo, nhiều rau củ thay vì bữa ăn nặng dầu mỡ. Những món ưa thích của họ thường là súp, salad, ăn nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá, gia cầm, hạt giống, đậu. Đây đều là các nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tuổi thọ.
Theo THANH THANH (VTC News)