7 cách nói của cha mẹ tưởng chừng vô hại nhưng hậu quả khôn lường

03/11/2020 - 18:54

Có khoảng 700.000 trẻ em bị lạm dụng mỗi năm ở Mỹ. Nhiều ông bố bà mẹ cho rằng, chỉ cần không đụng chạm tới thân thể đứa trẻ, nghĩa là không có gì đáng lo ngại.

Nhưng họ quên mất rằng những câu nói tưởng chừng vô hại cũng có thể khiến đứa trẻ trở nên thiếu tự tin, đánh mất lòng tự trọng, thậm chí dẫn đến trầm cảm.

Dưới đây là những hành xử phụ huynh cần tránh.

1. So sánh con với những đứa trẻ khác

Hành động này của cha mẹ có thể khiến trẻ cảm thấy mình là kẻ thất bại. Việc so sánh giữa các anh chị em với nhau cũng dễ dẫn đến sự cạnh tranh không đáng có giữa bọn trẻ. Hơn thế nữa, đứa trẻ bị so sánh sẽ cảm thấy không được yêu thương trong khi đứa còn lại sẽ phải chịu áp lực trở thành hình mẫu lý tưởng.

Theo nghiên cứu, khi bạn ưu ái đứa trẻ này hơn đứa trẻ kia thì sẽ dẫn đến hậu quả đứa trẻ có nhiều triệu chứng trầm cảm hơn khi lớn lên.

2. Bác bỏ cảm xúc của trẻ

Một món đồ chơi của trẻ bị hỏng có vẻ không quan trọng so với việc phải trả hóa đơn hàng tháng, nhưng điều đó không có nghĩa là đứa trẻ không có quyền cảm thấy xúc động về điều đó.

Khi bạn phủ nhận cảm xúc của trẻ, trẻ sẽ học các kìm nén niềm vui, nỗi buồn hoặc sự tức giận của mình và khi lớn lên, chúng sẽ trở thành những người trưởng thành không biết thể hiện bản thân hay xây dựng những mối quan hệ ổn định với mọi người.

Theo nghiên cứu, điều này có thể khiến trẻ không thể chịu được những cảm xúc mãnh liệt khi chúng lớn lên.

3. Đánh lừa hoặc nói dối trẻ

Việc bạn nói dối hoặc thay đổi một chút thông tin về những gì đã hứa hoặc nói với trẻ sẽ khiến đứa trẻ nghi ngờ về bản thân và thế giới xung quanh, từ đó dẫn đến lòng tự trọng giảm sút.

Hành xử này cũng có thể khiến trẻ trở nên lo lắng, trầm cảm và nghiêm trọng hơn là rối loạn tâm thần.

4. Yêu con có điều kiện

“Bố yêu con, nhưng bố muốn con cố gắng hơn nữa” - chắc chắn rằng bạn không có ý gì khi nói điều này. Điều bạn muốn chỉ là thúc đẩy con tiến về phía trước. Nhưng đó chỉ là điều bạn nghĩ, còn đứa trẻ sẽ nghe thấy rằng: “Mọi người và bố chỉ yêu con nếu con làm mọi thứ hoàn hảo. Con không xứng đáng được yêu thương nếu như không đạt được thành quả”.

5. Nghi ngờ về khả năng của trẻ

Điều này không giúp một đứa trẻ nỗ lực hơn mà mang lại tác dụng ngược. Bạn càng chỉ ra nhiều nhược điểm của trẻ thì khả năng chúng bỏ cuộc càng cao.

Những câu nói như vậy của cha mẹ sẽ khiến trẻ mất tự tin, dẫn đến trầm cảm và lo lắng khi lớn lên.

6. Dán nhãn trẻ

Bọn trẻ luôn được dạy rằng hãy bỏ qua những điều gây tổn thương được nói ra từ những kẻ chuyên đi bắt nạt, nhưng không phải lúc nào trẻ cũng làm được điều đó nếu như người nói ra lại là bố mẹ chúng. Cho dù bạn đang chỉ ra những nhược điểm về thể chất hay tinh thần của trẻ thì điều đó có thể làm sai lệch cách nhìn của trẻ về bản thân mình.

7. Khiến trẻ cảm thấy mình mắc nợ cha mẹ

Chắc chắn cha mẹ nào cũng phải hi sinh khi nuôi dạy một đứa trẻ. Nhưng đó là lựa chọn của bạn. Đừng đổ trách nhiệm sang cho đứa trẻ. Chúng không nên cảm thấy tội lỗi vì quyết định của bạn. Trong một số trường hợp, điều này có thể dẫn đến cảm giác tội lỗi bệnh lý.

Theo ĐĂNG DƯƠNG (Vietnamnet)