Theo thông tin mới nhất từ Bộ TT&TT, trong 10 tháng đầu năm nay, sự phát triển của lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng.
Đến thời điểm hiện nay, toàn quốc đã có 19,79 triệu gia đình có cáp quang Internet trên tổng số 27,32 triệu hộ. Như vậy, tỷ lệ hộ gia đình sở hữu cáp quang Internet tại Việt Nam đạt mức 72,4%.
Số liệu mới nhất cho thấy, toàn quốc có tổng cộng 127,2 triệu thuê bao điện thoại di động. Lượng thuê bao di động tăng 3,4% so với kỳ cùng năm 2021.
Lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng trong 3 quý đầu năm nay. Ảnh: Trọng Đạt
Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu toàn ngành viễn thông đạt 107.900 tỷ đồng, tăng trưởng 10,9% so với cùng kỳ năm 2021. Các chỉ tiêu về lợi nhuận, nộp ngân sách đều tăng.
Cơ sở hạ tầng viễn thông Việt Nam tiếp tục được củng cố về chất lượng và phát triển về số lượng. Điều này mở ra cơ hội ngày càng thuận lợi và bình đẳng hơn để nhân dân ở mọi vùng miền trên cả nước tiếp cận các dịch vụ viễn thông và Internet với chi phí thấp.
Xóa các vùng lõm sóng di động cũng là một chủ trương lớn của ngành TT&TT. Trước thời điểm ngày 1/1/2021, cả nước có tổng cộng 2.418 thôn lõm sóng. Đây là những điểm mà người dân không thể tiếp cận được với sóng di động. Song số lượng điểm lõm sóng đã giảm mạnh chỉ sau gần 2 năm.
Tính đến hết quý 3 năm 2022, các doanh nghiệp viễn thông đã phủ sóng thêm 2.152 thôn trong tổng số 2.418 thôn lõm sóng. Trong đó, bao gồm 1.380 thôn được phủ sóng năm 2021 và 772 thôn được phủ sóng năm 2022.
Hiện Việt Nam đã phủ sóng được 89% tổng số thôn bị lõm sóng. Ở một góc nhìn rộng hơn, các doanh nghiệp viễn thông đã phủ sóng 99,72% số thôn, bản trên toàn quốc, tăng 2,18% so với năm 2021.
Không chỉ xóa các vùng lõm sóng, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cũng đang mở rộng vùng phủ sóng 5G đến hơn 55 tỉnh, thành phố. Ảnh: Trọng Đạt
Thứ hạng của Việt Nam trên thế giới trong lĩnh vực này ngày càng được cải thiện. Việt Nam xếp hạng 41 về ứng dụng Viễn thông - CNTT trong chỉ số cạnh tranh quốc gia GCI của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). So với năm 2018 (xếp thứ 95), Việt Nam đã tăng tới 54 bậc xét riêng ở chỉ số này.
Ở Chỉ số phát triển CNTT (ICT Development Index - IDI) do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) công bố, Việt Nam đang xếp hạng 75, tăng 33 bậc so với năm 2017 (hạng 108).
Những kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của việc xây dựng và thực thi chính sách về quản lý viễn thông nói chung và quản lý tài nguyên kho số, thuê bao, đầu số nói riêng.
Theo TRỌNG ĐẠT (Vietnamnet)