Trầm cảm ảnh hưởng đến mọi người theo mức độ khác nhau và có thể gây ra các biểu hiện từ cảm giác buồn chán, tuyệt vọng kéo dài đến mất hứng thú với những thứ bạn từng thích và cảm thấy rất dễ khóc.
Dấu hiệu của trầm cảm
Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ (NIH) đưa ra các dấu hiệu của bệnh trầm cảm bao gồm 9 yếu tố:
Các dấu hiệu cốt lõi
1. Chán nản thường xuyên, gần như mỗi ngày.
2. Giảm đáng kể hứng thú hoặc niềm vui trong các hoạt động gần như mỗi ngày.
Các dấu hiệu về cơ thể
3. Giảm cân đáng kể dù không ăn kiêng hoặc tăng cân (thay đổi hơn 5% trọng lượng cơ thể trong 1 tháng), giảm hoặc tăng cảm giác thèm ăn.
4. Mất ngủ hoặc ngủ nhiều.
5. Kích động hoặc phản ứng chậm.
6. Mệt mỏi hoặc mất năng lượng.
Các dấu hiệu khác
7. Cảm giác vô giá trị, tội lỗi quá mức.
8. Giảm khả năng suy nghĩ, thiếu tập trung, thiếu quyết đoán.
9. Suy nghĩ liên tục về cái chết, có ý định tự tử.
Mức độ nghiêm trọng của trầm cảm
Dưới ngưỡng trầm cảm: Ít hơn 5 triệu chứng trên.
Trầm cảm nhẹ: Hơn 5 triệu chứng nhưng chỉ gây suy giảm chức năng nhẹ.
Trầm cảm vừa: Các triệu chứng hoặc suy giảm chức năng nằm giữa 2 mức trầm cảm nhẹ và nặng.
Trầm cảm nặng: Có hầu hết các triệu chứng và ảnh hưởng rõ rệt đến chức năng; có thể xảy ra triệu chứng loạn thần.
Thời gian kéo dài của các triệu chứng dai dẳng ít nhất 2 tuần. Khi thời gian lên tới 2 năm, đó là các triệu chứng mạn tính.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, trầm cảm thường xuất hiện dần dần, vì vậy có thể khó nhận ra điều gì đó không ổn. Nhiều người cố gắng đối phó với các triệu chứng của mình mà không nhận ra họ đang không khỏe.
Nguyên nhân gây trầm cảm
Không có nguyên nhân duy nhất gây ra chứng trầm cảm. Tình trạng này có thể xảy ra vì nhiều lý do và có nhiều tác nhân kích hoạt khác nhau.
Một số tác nhân riêng lẻ bao gồm các sự kiện căng thẳng (mất người thân, đổ vỡ quan hệ), tiền sử gia đình (có người thân từng trầm cảm), mang thai và sinh con, mãn kinh, cảm giác cô đơn, lạm dụng rượu và ma túy, bệnh tật mạn tính hoặc đe dọa tính mạng, chấn thương đầu, suy giáp.
Nhiều nguyên nhân khác nhau có thể kết hợp để gây ra chứng trầm cảm. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy chán nản do bị ốm và sau đó trải qua một sự kiện đau thương dẫn đến chứng trầm cảm.
Mọi người thường nói về "vòng xoáy đi xuống" của các sự kiện dẫn đến chứng trầm cảm. Ví dụ, nếu mối quan hệ của bạn với đối tác tan vỡ, bạn có thể cảm thấy chán nản, ngừng gặp gỡ bạn bè, gia đình và bắt đầu uống nhiều rượu. Tất cả những điều này có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn và gây ra chứng trầm cảm.