"An cư" để phát triển

01/05/2024 - 23:48

 - Công tác phát triển nhà ở được tỉnh An Giang xác định: Phải phù hợp với nhu cầu nhà ở địa phương trong từng giai đoạn; tuân thủ pháp luật. Phát triển nhà ở (đặc biệt là nhà ở xã hội) là một trong những chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với từng thời kỳ, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Hay nói cách khác, khi bố trí “an cư” cho mọi đối tượng người dân, tỉnh càng thuận lợi phát triển.

Nhu cầu tăng cao

Từ năm 2018 - 2022, lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh An Giang biến động không nhiều, dẫn đến nhu cầu nhà ở không cao. Tuy nhiên, định hướng phát triển kinh tế tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2030 sẽ là điều kiện thu hút lao động, khiến cho nhu cầu nhà ở tăng cao, chuyển dịch trong các phân khúc nhà ở cho thuê, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 568.543 căn nhà, tổng diện tích sàn hơn 41,8 triệu m2; nhà ở riêng lẻ là loại hình chủ yếu. Từ năm 2020 – 2023, tăng 3 triệu m2 sàn. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người đạt gần 22m2/người (khu vực đô thị đạt 23m2 sàn/người; khu vực nông thôn đạt 21,29m2 sàn/người).

Theo Sở Xây dựng, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh cần phát triển mới gần 5,4 triệu m2 sàn nhà; giai đoạn 2026 - 2030 phát triển mới 6,5 triệu m2 sàn nhà. Các cơ quan đơn vị thống kê, 680 công nhân chưa có chỗ ở. Đến năm 2025, khoảng 1.616 sinh viên, 1.050 học sinh trường THPT nội trú có nhu cầu về nhà ở; đến năm 2030 là 1.686 sinh viên và 1.050 học sinh. Đến năm 2025, 557 cán bộ, chiến sĩ có nhu cầu về nhà ở; giai đoạn 2026 – 2030 là 343 trường hợp. Đối với cán bộ công chức, viên chức, đến năm 2025, 15.000 cán bộ có nhu cầu về nhà ở; đến năm 2030 là 17.000 người.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 12/2022, 5.229 hộ có nhà ở đang nằm trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, biến đổi khí hậu cần phải di dời. Dự báo đến năm 2025, 1.527 hộ gia đình; giai đoạn 2026 – 2030 có 2.375 hộ gia đình thường xuyên bị ảnh hưởng.

Nhận thức được tầm quan trọng của nhà ở đối với đời sống và phát triển kinh tế, ngày 17/9/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2142/QĐ-UBND, phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Sau khi được ban hành, chương trình đã tác động tích cực đến công tác quản lý, phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển có hệ thống và phù hợp Luật Nhà ở 2014, các nghị định liên quan. Công tác phát triển nhà ở có nhiều chuyển biến tích cực về số lượng lẫn chất lượng. 

Ngày 22/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2161/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 03/NQ-HĐND, ngày 30/3/2023 về Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030. Hai nội dung này phần nào tác động đến định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển của chương trình phát triển nhà ở tỉnh đã ban hành.

Vì vậy, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030 cần phải sự điều chỉnh, định hướng chi tiết hơn cho công tác phát triển nhà ở giai đoạn này; điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu, mục tiêu phù hợp định hướng phát triển của tỉnh cũng như toàn quốc.

 Nhiều mục tiêu mới

Qua đánh giá của ngành chuyên môn, Chương trình phát triển nhà ở cũ của tỉnh có 3 hạn chế chính, gồm: Chưa cập nhật định hướng về kinh tế, xã hội, đô thị hóa theo quy hoạch tỉnh; chậm tiến độ hoặc chưa kêu gọi được đầu tư phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, dẫn đến kết quả phát triển nhà ở theo dự án còn thấp; vướng mắc về cơ chế chính sách nói chung.

Quý I/2024, Chương trình phát triển nhà ở mới được xây dựng, đề ra các mục tiêu phát triển nhà ở mới. Điển hình như, đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt 23m2 sàn/người; diện tích nhà ở tối thiểu đạt 10m2 sàn/người. Toàn tỉnh phấn đấu xây dựng tăng thêm gần 5,4 triệu m2 sàn, với khoảng 37.186 căn nhà. Trong đó, nhà ở thương mại tăng thêm khoảng 653.283m2 sàn (4.355 căn); nhà ở xã hội tăng thêm khoảng 175.500m2 sàn (2.500 căn). 

Nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng thêm khoảng 4,5 triệu m2 sàn (30.330 căn). Tỉnh phải lo nhà ở cho 1.958 hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở huyện nghèo Tri Tôn; người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có nhà ở trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

Số lượng đi kèm với chất lượng nhà ở, nên tỉnh phấn đấu nâng chất lượng nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 87,2%; nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ giảm xuống còn 12,8%. Dự kiến, nhu cầu diện tích đất để xây dựng các loại nhà ở giai đoạn này hơn 700ha (được ước tính dựa trên quỹ đất phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025; 50% quỹ đất giai đoạn 2026 - 2030). 

Giai đoạn 2026 – 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt khoảng 26,1m2 sàn/người; diện tích nhà ở tối thiểu đạt 10m2 sàn/người. Phấn đấu xây dựng thêm gần 6,5 triệu m2 sàn (45.181 căn). Trong đó, tăng thêm khoảng 8.017 căn nhà ở thương mại; khoảng 3.800 căn nhà ở xã hội; 33.363 căn nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng. Phấn đấu nâng chất lượng nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 88,9%; nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ giảm xuống còn 11,1%. Dự kiến, cần 858ha đất (được ước tính dựa trên quỹ đất phát triển nhà ở trong giai đoạn 2026 – 2030; 50% quỹ đất giai đoạn 2031 - 2035).

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Cường thông tin, 3 nhóm giải pháp được đề ra, nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình. Đó là nâng cao năng lực phát triển nhà ở theo dự án; phát triển lành mạnh thị trường bất động sản nhà ở; thu hút nhà đầu tư. 

Tại kỳ họp thứ 19 (chuyên đề) giữa tháng 4/2024, HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 34/NQ-HĐND, ngày 19/8/2021 về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện nghị quyết này.

AN KHANG