An Giang: 53 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở

24/05/2021 - 04:47

 - Theo kết quả do đạc của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh An Giang có 53 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến rất nguy hiểm, trong đó có 6 đoạn rất nguy hiểm đặc biệt cần chú ý. Số đoạn cảnh báo không thay đổi so kỳ quan trắc trước, có xu hướng tăng về chiều dài và gia tăng về mức độ nguy hiểm, xảy ra sạt lở nhiều hơn ở các sông, kênh, rạch nhỏ.

Sạt lở gây xâm thực mạnh ở xã Vĩnh Trường (huyện An Phú).  

Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các sở, ngành, địa phương đặc biệt lưu ý các đoạn được cảnh báo nguy hiểm, gồm: đoạn sông Tiền chảy qua xã Phú An (huyện Phú Tân) đáy sông sâu và sát bờ, thường diễn biến sạt lở đột xuất, khu vực ấp Phú Quới gần trung tâm của lạch sâu -37m (lạch dài 1km, độ sâu từ -20m đến -37m, cách bờ từ 100m -140m) khu vực này có một nhà thờ, 5 nhà máy xay xát (2 nhà máy gần bến đò 28), ít nhà dân, chủ yếu là vườn tạp và đất canh tác hoa màu, hiện đường bờ cách Tỉnh lộ 954 khoảng 20m, phía bờ đối diện đang bồi lắng.

Đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong (TX. Tân Châu) sạt lở mạnh hàng năm, đang đe dọa đường giao thông: dài 6.900m, trong đó sạt lở mạnh thuộc 2 ấp Vĩnh Tường 1 và Vĩnh Lợi 2, dài 4.400m. Địa hình vách lòng sông khá đứng, độ sâu thay đổi từ -11m đến -19m từ thượng nguồn về hạ nguồn, cách bờ từ 30-50m. Khu vực ngã 3 sông Châu Đốc, dòng chảy có sự hợp lưu của sông Hậu và sông Châu Đốc nên tạo dòng xoáy đào khoét đáy sông, tạo hố sâu ở khu vực giữa sông, hố có độ sâu -30m có chiều dài 130m, rộng 70m, dấu hiệu nguy hiểm có thể xảy ra sạt lở bất ngờ với những mảng trượt lớn, khu vực này đông dân cư.

Đoạn sông Hậu chảy qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) có đáy sông sâu và gần Quốc lộ 91, hình thái đáy sông cho thấy nguy cơ sạt lở rất cao và nguy hiểm: dài 1.900m, kéo dài từ Vàm kênh Cây Dương đến phà Năng Gù. Địa hình đáy sông có lạch sâu cách bờ Bình Mỹ khoảng 60m, chiều dài lạch sâu 370m, rộng trung bình 70m, độ sâu từ -15m đến -19m.

Đoạn sông Hậu chảy qua xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên): khu vực ấp Mỹ Thuận và ấp Mỹ Khánh, dài 3.300m. Địa hình đáy sông cách bờ ấp Mỹ Khánh khoảng 60m, độ sâu từ -10m đến -17m, dọc theo khu vực này là lộ giao thông và nhà dân, phía bờ đối điện đang bồi lắng.

Đoạn sông Hậu chảy qua phường: Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Bình (TP. Long Xuyên) từ bến đò Cần Xây đến đuôi kè Mỹ Bình, dài 4.300m. Kết quả đo đạc sông Hậu thuộc phường Bình Đức có lạch dài cách bờ đạt khoảng 100m, độ sâu đạt từ -22m đến -27m, đoạn hạ nguồn khu vực phường Bình Khánh lạch sâu kéo dài từ nhà máy nước đá Thái Bình về hạ nguồn đến hết kè Nguyễn Du, độ sâu đạt từ -21m đến -26m. Trục dòng chảy lệch và áp sát về phía phường Bình Khánh, Mỹ Bình. Đoạn Kè Tỉnh ủy đến bến đò Cần Xây là khu vực xung yếu của tỉnh, nhiều nhà dân, nhà máy, đặc biệt khu vực phường Bình Đức có Quốc lộ 91 gần bờ sông, dòng chảy chính tập trung trên nhánh này và đáy sông sâu, tuy các năm gần đây bờ ổn định nhưng tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.

Đoạn sông Hậu, sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới: từ xã Kiến An đến chợ xã Mỹ Hội Đông dài 3.600m (điểm cuối là chùa Liên Hoa). Kết quả đo độ sâu vẫn còn áp bờ đoạn cảnh báo nhưng độ sâu giảm dần về hạ nguồn, từ -25m ở thượng nguồn và giảm dần về -16m ở hạ nguồn, khu vực này nhiều nhà dân sống ven sông và cặp đường lộ giao thông.

Nguyên nhân sạt lở được các cơ quan chức năng đánh giá chủ yếu là do: diễn biến thời tiết bất thường, tác động của quá trình biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mekong gây thiếu bùn cát bồi lắng, yếu tố thủy lực, dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông, vận động kiến tạo và hoạt động kinh tế - xã hội (ghe tàu, khai thác cát, hoạt động xây dựng, vận tải 2 bên bờ sông...). Tỉnh An Giang nói riêng và ĐBSCL có nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh; sự tác động của sông nước, biên độ chênh lệch của đỉnh triều - chân triều và nhiều dòng sông giao nhau làm cho dòng chảy không bình thường, tạo ra dòng chảy xoáy.

Cùng với đó, dân cư phát triển nhanh, tăng mật độ xây dựng nhà ở bê-tông kiên cố, xây dựng công trình kho bãi, nhà máy, công trình giao thông, chất tải gần bờ sông làm tăng tải trọng vượt khả năng chịu tải của bờ sông; việc gia tăng phương tiện giao thông trên bờ, dưới sông gây chấn động và sóng… là những nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất ven sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của Đài Khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, tình hình khô hạn đến sớm và kéo dài, mưa lớn tập trung vào giai đoạn cuối năm, mực nước trên sông hạ thấp, nước trong đất bị mất cân bằng nên vào đầu mùa mưa, nếu có mưa lớn cục bộ sẽ làm mặt đất thấm nước nhanh, làm đến kết cấu đất mềm, yếu, trong khi mực nước sông còn thấp, dẫn đến sạt lở ở những nơi mái bờ dốc thẳng đứng. Ngoài ra, dòng chảy bắt đầu mạnh khi nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về sẽ gia tăng áp lực bào mòn nhanh vào chân bờ sông, tạo thành hàm ếch rỗng chân ăn sâu vào bờ phía bên dưới, khi đó khối đất sẽ mất mái taluy và khả năng xảy sạt lở, đổ ụp xuống sông là rất cao...

Do đó, các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương cần thường xuyên theo dõi, cảnh báo người dân thông báo ngay khi phát hiện dấu hiệu sạt lở; có giải pháp bảo vệ đường bờ tại các khu vực đoạn cua cong; cắm biển báo cảnh báo khu vực sạt lở; có kế hoạch đề xuất nạo vét khơi thông chỉnh trị dòng chảy hạn chế sạt lở, di dời người dân khỏi nơi xung yếu…

Bài, ảnh: HỮU HUYNH