Thủ đoạn tinh vi
Mới đây, tại buổi làm việc với thiếu tướng Đàm Thanh thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh, đại diện các lực lượng chức năng như: hải quan, bộ đội biên phòng (BĐBP), công an, quản lý thị trường cho biết, do mức lợi nhuận có được từ buôn lậu cao, các đối tượng buôn lậu đã ngày đêm tìm mọi cách đưa hàng qua biên giới, vào sâu nội địa để tiêu thụ.
Ở An Giang, tuyến biên giới có chiều dài gần 100 km, lợi dụng mùa nước nổi, những người buôn lậu cho hàng lậu vào bao hoặc các thùng bịt kín (dạng chuyên dụng) rồi thả xuống nước kéo lê. Khi các lực lượng chức năng phát hiện, chúng sẽ sẵn sàng cắt dây, làm dấu rồi bỏ đi, chờ khi lực lượng chức năng đi qua, chúng trở lại vớt lên hoặc tiếp tục di chuyển.
“Đa phần hàng lậu qua biên giới, đối tượng buôn lậu chọn các mặt hàng gọn nhẹ như: vàng, USD, ma túy để đưa sang nhằm thu lợi nhuận cao. Đối với những mặt hàng đường cát, lúa gạo, chúng lợi dụng dòng sông chung giữa 2 quốc gia để thực hiện hành vi buôn lậu. Mới đây, lợi dụng việc bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường cát, đối tượng buôn lậu tìm mọi cách qua mặt lực lượng chức năng bằng việc sử dụng bộ hóa đơn chứng từ nhập khẩu để buôn lậu” - ông Đinh Văn Tươi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh chia sẻ.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh làm việc với Văn phòng Thường trực Ủy ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống hàng lậu thời điểm cuối năm
Đồng tình với nhận định trên về tình hình buôn lậu trên toàn tuyến biên giới, đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19 đến nay, các Tổ công tác chống dịch làm luôn nhiệm vụ chống buôn lậu đã canh gác biên giới rất chặt chẽ, buôn lậu bị truy bắt rất nhiều, các loại hàng hóa nhập lậu khan hiếm tại thị trường nội địa, mức chênh lệch giá cao nên rất dễ tạo ra điểm nóng trên tuyến biên giới. Nhận định được tình hình này, lực lượng BĐBP phối hợp hải quan và công an các địa phương, mở nhiều chiến dịch truy quét, trong đó 4 chuyên án đã được xác lập bắt gần 100kg ma túy, 60.000 tấn đường cát, trên 300 con heo và nhiều mặt hàng khác.
Đánh vào đầu nậu
Bước vào cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vào thời điểm cuối năm, Văn phòng Thường trực Ủy ban Chỉ đạo 389 Quốc gia do thiếu tướng Đàm Thanh Thế chỉ đạo, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung đánh vào các đối tượng đầu nậu, cầm đầu đường dây buôn lậu lớn, triệt xóa các điểm tập kết hàng trên khu vực biên giới để kiểm soát chặt tình hình.
Muốn vậy, lực lượng chức năng phải làm tốt công tác điều tra địa bàn, nắm bắt thông tin từ xa để xây dựng kế hoạch đấu tranh, đồng thời làm tốt công tác truyền thông, phổ biến pháp luật; ưu tiên phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa để người dân có việc làm ổn định, từ đó không tham gia đai vác mướn cho đối tượng buôn lậu. Các lực lượng công an, biên phòng phải xây dựng kế hoạch chuyên đề để thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra công vụ đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
10 tháng của năm 2020, các lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 1.950 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu. Tổng giá trị hàng hóa bắt giữ 49,44 tỷ đồng, trong đó thuốc lá nhập lậu bắt giữ 920.357 gói, tăng 8,7% so cùng kỳ.
Trước những nỗ lực của An Giang trong công tác tham gia đấu tranh chống buôn lậu, đặc biệt là mặt hàng thuốc lá điếu, mới đây Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã thưởng nóng cho Ban Chỉ đạo 389 tỉnh 20 triệu đồng, đồng thời mong muốn các lực lượng chức năng chống buôn lậu trên địa bàn An Giang tiếp tục truy quét đối tượng buôn lậu nói chung, đối tượng buôn lậu thuốc lá nói riêng để lập lại trật tự trên mặt trận này.
Bài, ảnh: MINH HIỂN