An Giang cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

12/07/2024 - 06:21

 - Xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tỉnh An Giang tập trung triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, năng động. Qua đó, góp phần thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp (DN), đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) bền vững.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, thời gian qua, công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, góp phần tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP, ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 62/KH-UBND về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Chỉ số PCI) gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh năm 2024. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện của cơ quan, đơn vị.

Nhờ đó, KTXH 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh chuyển biến tích cực, trong đó kinh tế tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động. Các hoạt động thương mại - dịch vụ, nhu cầu đi lại, hoạt động văn hóa - xã hội nhộn nhịp, sôi động, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội được tổ chức, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân.

Lãnh đạo tỉnh trao biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 9 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh

Sản xuất công nghiệp trong những tháng đầu năm phục hồi và phát triển mạnh. Các DN, cơ sở sản xuất đẩy mạnh hoạt động để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh tăng trưởng so cùng kỳ.

Đặc biệt, ngành sản xuất da giày, sau nhiều tháng liên tục tiêu thụ khó khăn, hiện nhiều DN đã có thêm đơn hàng mới, tuyển dụng thêm lao động, gia tăng nhịp độ sản xuất nên sản phẩm tăng đáng kể so cùng kỳ năm trước. Thị trường hàng hóa những tháng đầu năm ổn định, lượng hàng hóa được các DN chuẩn bị dồi dào, chủng loại phong phú, chất lượng đảm bảo, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

6 tháng đầu năm 2024, tỉnh tổ chức, tham gia nhiều hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Từ đầu năm đến nay, có trên 500 DN đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký 3.290 tỷ đồng (so cùng kỳ số DN đăng ký tăng 3,09%, vốn đăng ký tăng 0,21%); 183 DN hoạt động trở lại (tăng 12,27%). UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị họp mặt DN, tạo cơ hội để lãnh đạo tỉnh và DN gặp gỡ, chia sẻ, giao lưu, nắm bắt những khó khăn, nguyện vọng của DN để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ, thúc đẩy phát triển.

Tỉnh tiếp tục xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Bên cạnh đó, tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đã trao Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa tỉnh An Giang với 9 DN, nhà đầu tư lớn có tiềm năng, gồm: Becamex IDC, Tập đoàn BIM, Công ty CP FPT, Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty CP Kosy, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Tập đoàn Long Thuận, Công ty CP Bất động sản tập đoàn Tân Á Đại Thành, Công ty CP Đầu tư Thái Bình để nghiên cứu, đề xuất phát triển dự án trên 6 lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên mời gọi đầu tư của tỉnh.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công được đặc biệt chú trọng. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã phân bổ 100% kế hoạch vốn được Trung ương giao, tổ chức hội nghị tổng kết công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; lên kế hoạch tổ chức các cuộc kiểm tra công trình trọng điểm, thúc đẩy tiến độ công trình. Giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 (kể cả vốn kéo dài năm 2023 sang năm 2024) đến hết tháng 6 ước đạt 3.252 tỷ đồng, đạt 40,5% kế hoạch.

Các hoạt động kiểm tra cải cách hành chính được thực hiện thường xuyên. Qua đó, kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động cải cách hành chính của đơn vị và nhất là việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho các cá nhân, tổ chức.

Tỉnh An Giang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ cơ quan Nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử đạt 65% (kế hoạch là 75%). Đã thực hiện đồng bộ, tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình của tỉnh (1.348 dịch vụ) trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ đầu năm đến nay, đã giải quyết 2.010 dịch vụ công, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn đạt 98,5%.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, thời gian tới, các cấp, ngành, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ DN. Triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của DN với các nội dung tái cấu trúc DN, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững…

Tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên cơ sở cải thiện các chỉ số cải cách hành chính; coi trọng sự hài lòng của người dân trong công tác cải cách TTHC. Đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa theo thẩm quyền các TTHC để tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người dân và DN...

THU THẢO