Niềm tin của doanh nghiệp
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh An Giang Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đơn vị tổ chức đoàn đi thăm, chúc Tết 22 DN hội viên. Khi hỏi về tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD), có đến 20 DN trả lời đang bị giảm đơn hàng, cho công nhân rải ca làm việc, chấp nhận giảm thu nhập của người lao động nhằm tránh sa thải công nhân đã gắn bó với DN nhiều năm.
Theo đánh giá, năm 2023 vẫn là một năm rất khó khăn, khi mà hơn 90% DN An Giang là DN nhỏ và siêu nhỏ. Sau khi oằn mình vượt qua đại dịch COVID-19, DN vừa phục hồi lại phải đương đầu với suy thoái kinh tế thế giới, tình hình chiến sự leo thang ở một số khu vực, thị trường thu hẹp, chuỗi cung ứng đứt gãy, trong khi nhiều DN bị mất cân đối dòng tiền, khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi...
Lãnh đạo tỉnh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
“Mặc dù dự đoán năm 2024 còn những thách thức, khó khăn, nhưng các chủ DN vẫn khẳng định tâm thế phấn đấu, vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành đã có những giải pháp thiết thực, cụ thể để hỗ trợ DN, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh phát huy tốt vai trò tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư; vướng mắc, kiến nghị của DN được các sở, ngành xử lý nhanh chóng, kịp thời; Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh nâng cao chất lượng phục vụ DN” - bà Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh.
Điểm sáng trong thách thức
Dù trải qua những giai đoạn khó khăn, nhưng theo đánh giá của cộng đồng DN và các chuyên gia kinh tế, An Giang vẫn là thị trường lớn, nhiều tiềm năng phát triển. “Tôi khẳng định với các nhà sản xuất, nhà phân phối, khi hàng hóa đã tiếp cận được thị trường An Giang, coi như dễ dàng xuất khẩu sang Campuchia” - Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc) Tạ Minh Sơn nhấn mạnh.
Cơ sở để ông Tạ Minh Sơn khẳng định điều này, bởi An Giang vẫn là thị trường bán lẻ lớn nhất ĐBSCL. Do có đường biên giới dài tiếp giáp Vương quốc Campuchia, giao thương biên mậu thuận lợi, nên rất nhiều người Campuchia sang An Giang để sử dụng nhiều hàng hóa, dịch vụ của tỉnh.
“Điểm nhấn của tỉnh trong năm qua là đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công, tạo động lực phát triển mới. Những con đường rộng rãi, thông thoáng, hệ thống đèn trang trí, chiếu sáng ban đêm, những công trình, tiểu cảnh đẹp mắt... để lại dấu ấn đối với du khách. Bên cạnh sức tiêu dùng tại chỗ, An Giang còn đón hàng triệu du khách ổn định mỗi năm, tạo nên nhu cầu hàng hóa lớn. Rất nhiều DN ở các tỉnh, thành phố luôn muốn tiếp cận thị trường An Giang. Các DN trong tỉnh khi cho ra đời sản phẩm nên nghiên cứu, tìm hiểu, đáp ứng nhu cầu tại chỗ, trước khi muốn đưa hàng hóa vươn xa” - Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn phân tích.
Đồng ý với quan điểm này, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ Nguyễn Phương Lam cho biết, thị trường thương mại - dịch vụ của An Giang rất lớn, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2023 của tỉnh đạt 191.000 tỷ đồng, không chỉ đứng đầu, mà còn gần gấp đôi so tỉnh xếp thứ 2 ở ĐBSCL. “Khi nghiên cứu tốc độ phát triển của các tỉnh, VCCI nhận thấy, địa phương nào có hạ tầng giao thông phát triển là kéo theo tăng trưởng nhanh.
Ví dụ, khi Quốc lộ 1A được nâng cấp, cầu Mỹ Thuận, Rạch Miễu được xây dựng, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương hoàn thành, các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long... có tốc độ tăng trưởng nhanh. Tới đây, khi cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành, cùng các tuyến đường liên kết vùng đưa vào sử dụng, chắc chắn sẽ đánh thức tiềm năng, thế mạnh của An Giang. Chúng tôi tin tưởng An Giang sẽ là tỉnh mạnh của ĐBSCL trong 5 - 10 năm nữa” - ông Nguyễn Phương Lam khẳng định.
Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ lưu ý, các DN trong tỉnh cần tận dụng tốt thời cơ từ Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bám sát định hướng rõ ràng, minh bạch của tỉnh để phát triển. Đồng thời, chủ động nắm bắt cơ hội từ hạ tầng giao thông được đầu tư; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuẩn bị nguồn nhân lực để theo kịp tốc độ phát triển...
Tiếp tục đồng hành, chia sẻ
Tại buổi họp mặt DN Xuân Giáp Thìn 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước tiếp tục khẳng định cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động SXKD và sự phát triển của DN. Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương luôn đồng hành, chia sẻ với DN trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh bằng những nhiệm vụ và giải pháp, có phân công nhiệm vụ rất cụ thể, rõ ràng.
Năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh tăng cường giao lưu, đối thoại bằng nhiều hình thức khác nhau để kịp thời nắm bắt nhu cầu chính đáng của DN, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh, trên cơ sở quy định của pháp luật. Chú trọng xây dựng hình ảnh lãnh đạo chính quyền tỉnh An Giang cởi mở, năng động và sáng tạo, luôn đồng hành với sự phát triển của DN để DN yên tâm đầu tư SXKD, phát triển và lớn mạnh trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị Hiệp hội DN tỉnh phát huy vai trò cầu nối, kết nối giữa DN với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và DN, tìm giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN trong hoạt động đầu tư, SXKD; thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc, là tiếng nói chung của cộng đồng DN trên địa bàn An Giang.
“DN cần chủ động nắm bắt cơ hội, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập, phát triển; xác định “thay đổi để phát triển và bứt phá”.
Cộng đồng DN chung tay cùng với chính quyền địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển SXKD của DN gắn với mục tiêu, định hướng phát triển KTXH của tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị
|
NGÔ CHUẨN