An Giang chia sẻ nguồn nước khi xuống giống vụ lúa hè thu

30/03/2023 - 07:03

 - Đối với diện tích xuống giống sớm vụ lúa hè thu 2023, An Giang chủ trương chỉ xuống giống khoảng 50.000ha, nhằm phân bố nguồn nước giữa các vùng trong tỉnh, chia sẻ nguồn nước với các tỉnh hạ nguồn và né hạn, mặn cuối vụ. Những giống lúa được doanh nghiệp (DN) thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng trong thời gian qua cũng được khuyến cáo sản xuất trong vụ hè thu này để tiêu thụ thuận lợi.

Cần làm đất kỹ trước khi xuống giống vụ hè thu 2023

Đầu ra đảm bảo

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ đông xuân 2022-2023, toàn tỉnh xuống giống 227.547ha lúa, dự kiến đến ngày 7/5 sẽ thu hoạch dứt điểm 100% diện tích. Với năng suất 7,3 tấn/ha (cao hơn cùng kỳ 0,21 tấn/ha), sản lượng lúa vụ đông xuân tăng khá. Trong đó, cuối tháng 3 là giai đoạn cao điểm thu hoạch rộ, lượng lúa gạo tập trung nhiều, nhưng cơ bản đều được tiêu thụ.

Nguyên nhân do tổng năng lực của 18 DN xuất khẩu trong tỉnh có sức chứa 370.500 tấn lúa và 450.200 tấn gạo; công suất xay xát đạt 505 tấn lúa/giờ, công suất xát trắng đạt 560 tấn gạo/giờ, với 28 nhà máy, kho chứa. Trong khi đó, tổng năng lực của 16 DN ngoài tỉnh có kho tại An Giang đạt sức chứa 138.125 tấn lúa và 198.024 tấn gạo; công suất xay xát đạt 261 tấn lúa/giờ, công suất xát trắng đạt 342 tấn gạo/giờ, với 20 nhà máy, kho chứa trên địa bàn tỉnh.

Theo nhận định của Sở Công Thương An Giang, giá các mặt hàng lúa gạo, rau màu, trái cây có xu hướng tăng hơn so cùng kỳ 2022, do phía Trung Quốc đã cho nhập khẩu một số mặt hàng cần thiết.

Đây là cơ sở để An Giang yên tâm triển khai kế hoạch xuống giống vụ hè thu, trong đó diện tích lúa là 228.926ha. Với năng suất bình quân 6 tấn/ha, sản lượng dự kiến hơn 1,37 triệu tấn.

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, hiện có 14 công ty, DN liên kết sản xuất và tiêu thụ 145.540ha lúa, chiếm 63,58% diện tích xuống giống vụ hè thu. Với diện tích còn lại, đề nghị các địa phương tăng cường kết nối thông tin DN, thương lái thu mua. Trong đó, lưu ý 2 đợt thu hoạch tập trung cao điểm, gồm: Đợt 1 (từ ngày 20/7 - 3/8), thu hoạch khoảng 500.000 tấn và đợt 2 (từ ngày 10/8 - 24/8), thu hoạch khoảng 180.000 tấn. Ngoài ra, từ cuối tháng 5 đã có thu hoạch lúa hè thu liên tục.

Tuân thủ lịch thời vụ

Căn cứ khung lịch thời vụ của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho khu vực ĐBSCL, các điều kiện thời tiết, thủy văn, dịch hại, Sở NN&PTNT khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống vụ hè thu trong tỉnh từ ngày 15/3 - 10/5 (24/2 - 21/3 âm lịch).

Đối với lịch xuống giống né khô hạn và chia sẻ nguồn nước được chia làm 3 đợt. Trong đó, đợt 1, xuống giống từ ngày 15/3 - 31/3, tập trung ở những tiểu vùng sản xuất 2 vụ tại các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và các tiểu vùng ngưng sản xuất vụ thu đông tại huyện Phú Tân, Châu Phú, diện tích khoảng 50.000ha. Đợt 2, từ ngày 1/4 - 30/4, xuống giống đại trà khoảng 130.000ha đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm. Đợt 3, từ ngày 1/5 - 10/5, xuống giống tại các tiểu vùng nằm trong kế hoạch xả lũ vụ thu đông và một số tiểu vùng xuống giống đông xuân 2022 - 2023 muộn, diện tích khoảng 39.000ha, rải rác tại các huyện Tri Tôn, Chợ Mới, Châu Phú, An Phú, Tịnh Biên, TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc.

Đối với lịch xuống giống đồng loạt, tập trung và né rầy, chia làm 2 đợt. Trong đó, đợt 1 từ ngày 15/3 - 18/3, xuống giống tập trung ở những vùng thu hoạch vụ đông xuân sớm và đại trà với khoảng 20.000ha (huyện Tri Tôn, An Phú, Tịnh Biên, Chợ Mới, Thoại Sơn và TP. Long Xuyên). Đợt 2 xuống giống tập trung từ ngày 12/4 - 24/4, dứt điểm ở những vùng thu hoạch vụ đông xuân đại trà và muộn (huyện An Phú, Châu Phú, Phú Tân, Châu Thành, Chợ Mới, TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc), diện tích 60.000ha.

“Tùy theo tình hình rầy nâu vào bẫy đèn ở từng địa phương mà có lịch xuống giống cụ thể, nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh. Lưu ý, trên cùng một tiểu vùng, không để nhiều trà lúa đan xen nhau” - Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn  Sĩ Lâm lưu ý.

Căn cứ số liệu theo dõi về tình hình giá lúa, Sở NN&PTNT khuyến cáo, các giống lúa OM9582, Đài Thơm 8, OM5451, OM7347, OM6976, OM18, Jasmine 85, OM9577, OM4900… thời gian qua được DN thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng. Do đó, các huyện, thị xã, thành phố có biện pháp chỉ đạo và khuyến cáo nông dân sản xuất các giống này trong vụ hè thu. Ngoài ra, có thể sử dụng nhóm giống có triển vọng để có thể thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương, được đề xuất, gồm: Lộc Trời 28, OM418, OM34...

Ngành nông nghiệp lưu ý, nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật: Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” (chú ý lượng giống gieo sạ từ 80-100kg/ha), tiêu chuẩn SRP, GlobalGAP, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng lúa...

Trong đó, chú trọng áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; tăng cường các biện pháp giúp cây lúa khỏe (bổ sung vi lượng, phân bón có chứa can-xi, silic…).

Dự báo mùa khô năm nay, tổng lượng mưa thấp, số đợt nắng nóng và mức độ gay gắt hơn, nền nhiệt độ cao hơn năm 2022. Do vậy, các địa phương cần xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè thu theo kế hoạch chung của tỉnh và kế hoạch phòng chống hạn mặn, thiếu nước tưới trong mùa khô phù hợp với điều kiện từng địa phương. Trong đó, tiến hành khảo sát và xây dựng kế hoạch nạo vét kênh, mương, đảm bảo đủ nước tưới tiêu.

 

NGÔ CHUẨN