An Giang: Chống ma túy - cuộc chiến cam go

26/11/2020 - 03:46

 - Với sự gia tăng về số vụ buôn ma túy qua biên giới được phát hiện trong thời gian qua đã cho thấy cuộc chiến ngày càng cam go, khốc liệt, đòi hỏi sự quyết tâm của các cấp, ngành và sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trong quyết tâm chống lại “cái chết trắng” tại An Giang nói riêng và cả nước nói chung.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên (Bộ đội Biên phòng An Giang) bắt vụ vận chuyển cần sa khô từ Campuchia về Việt Nam

Cuộc chiến cam go

Trong Hội nghị tổng kết các chuyên án đấu tranh chống tội phạm ma túy được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tổ chức tại An Giang vào tháng 9-2020 đã cho thấy tính chất, mức độ các vụ buôn lậu ma túy đang ngày càng phức tạp. Các đối tượng buôn ma túy xuyên quốc gia đang chọn khu vực biên giới Tây Nam Bộ làm điểm trung chuyển, vận chuyển số lượng lớn ma túy vào nội địa.

Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh BĐBP, thông tin: “Không riêng Việt Nam mà hoạt động của tội phạm ma túy đang diễn biến phức tạp tại các nước Đông Nam Á trong những năm qua. Trước đây, các đối tượng chủ yếu lựa chọn con đường vận chuyển ma túy qua biên giới khu vực Tây Bắc và vùng Tây Nghệ An. Khi các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy trong nước làm tốt công tác đánh bắt, trấn áp thì các đối tượng buộc phải chuyển hướng sang khu vực biên giới Tây Nam, chủ yếu qua các tỉnh: An Giang, Long An và Tây Ninh, bắt đầu từ năm 2017”.

Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương nhận định, các đối tượng đang gia tăng mức độ, số lượng các vụ vận chuyển ma túy vào lãnh thổ Việt Nam. Từ năm 2019, lực lượng BĐBP, công an, hải quan đã phối hợp bắt nhiều vụ vận chuyển ma túy với số lượng hàng chục, hàng trăm kg. Điều này đặt ra thách thức cho lực lượng BĐBP cũng như các ngành chức năng khi phải đối mặt với những tổ chức buôn lậu ma túy ranh ma, có nhiều thủ đoạn xảo quyệt. 

“Các đối tượng buôn ma túy không xem Việt Nam là điểm đến tiêu thụ mà chúng chỉ coi đây là địa bàn trung chuyển để đưa hàng sang các nước có các hiệp định thương mại với Việt Nam như: Úc, Đài Loan làm nơi tập kết. Sau đó, ma túy sẽ được đưa đến Mỹ hoặc các nước châu Âu để tiêu thụ. Lần đầu tiên, lực lượng chuyên trách của BĐBP, công an, hải quan cùng các ngành liên quan đã phối hợp điều tra, phát hiện hành vi sản xuất ma túy và đã thu giữ hàng chục tấn hóa chất là tiền chất để bào chế ma túy tại TP. Hồ Chí Minh, Kon Tum, Quy Nhơn (Bình Định) và một số nơi khác.” - thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương cho hay.

Đến tháng 9-2020, lực lượng BĐBP Việt Nam đã phát hiện, đấu tranh 715 vụ liên quan đến 1.200 đối tượng, thu được 2.888kg ma túy tổng hợp và heroin. Các đối tượng buôn ma túy đã sử dụng công nghệ thông tin và nhiều thủ đoạn nhằm dụ dỗ người dân sống ở khu vực biên giới thông thạo địa hình thực hiện việc vận chuyển “hàng trắng” vào nội địa, nên lực lượng chuyên trách gặp nhiều khó khăn trong việc đánh bắt.

Nỗ lực trấn áp tội phạm ma túy

Là địa phương có đường biên giới dài tiếp giáp với Campuchia nên An Giang cũng là nơi các đối tượng buôn ma túy chọn làm đường vận chuyển “cái chết trắng”. Do đó, BĐBP An Giang nỗ lực thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy song song với biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và nạn buôn lậu qua biên giới.

Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang, cho hay: “Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã sớm quán triệt đến các đơn vị trực thuộc chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm về ma túy cùng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và nạn buôn lậu. Từ đầu năm tới nay, BĐBP An Giang đã thực hiện thành công 5 chuyên án, thu về gần 100kg ma túy các loại. Trong đó, nổi bật có chuyên án AG420 và AG620 với số lượng ma túy bị bắt giữ lần lượt là 40kg và hơn 35kg”.

Theo đại tá Lý Kế Tùng, các đối tượng vận chuyển ma túy vào An Giang chủ yếu sử dụng thủ đoạn trá hình, cho ma túy vào các gói dạng trà khô hòng qua mắt lực lượng chức năng. Thực tế, các thủ đoạn này không mới nhưng gần đây đã xuất hiện loại ma túy mới là Ketamine. Các đối tượng buôn ma túy sẽ thu lợi nhuận từ Ketamine cao hơn ma túy đá (Methamphetamine) lại có thể sử dụng trực tiếp nên sẽ nhanh gây nghiện, do đó chúng rất nguy hiểm với giới trẻ.

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, Bộ tư lệnh BĐBP yêu cầu Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, chốt chặt đường mòn, lối mở không để các đối tượng buôn ma túy lợi dụng để đưa hàng về Việt Nam. Đồng thời, bố trí lực lượng chuyên trách lập phương án kiểm tra, đánh bắt các vụ vận chuyển ma túy vào nội địa. Song song đó, tiếp tục tăng cường lực lượng, cán bộ, chiến sĩ cho các tổ, chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19  trên tuyến biên giới, nhằm thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống buôn lậu, đặc biệt là ma túy. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật phòng, chống ma túy để người dân không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng buôn ma túy nhằm bảo vệ giới trẻ tránh xa tác hại của “cái chết trắng”.

Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương khẳng định: “Cuộc chiến chống ma túy vẫn còn khó khăn, phức tạp nhưng với sự quan tâm của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng sẽ giúp công tác phòng, chống các loại tội phạm về ma túy tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong thời gian tới!”.

THANH TIẾN