An Giang chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh

17/08/2023 - 07:20

 - Khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, ngành y tế tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh tỉnh có những giải pháp phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm khác, bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân.

Tăng cường điều trị, giám sát bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng

Công tác phòng, chống dịch bệnh là hoạt động được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện, là công tác được Sở Y tế đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sâu sắc trong giai đoạn qua.

BS CKII Phạm Quang Quốc Uy, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang cho biết, để phòng, chống dịch được thực hiện tốt, công tác tổ chức và chỉ đạo thực hiện vô cùng cần thiết. Đơn vị đã chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, các phương án và kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 ngay từ giai đoạn đầu khi chưa có dịch tại địa phương. Bên cạnh đó, kế hoạch phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm và phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) được chủ động thực hiện ngay từ đầu năm.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên cập nhật và phổ biến cho tuyến y tế cơ sở các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch; tăng cường giám sát y tế các trường hợp qua lại biên giới. Đồng thời, ban hành các công văn tăng cường phòng, chống dịch, giám sát các bệnh tại mùa lễ hội, các bệnh mùa hè, mùa đông xuân. Đồng thời, củng cố Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên người các cấp; củng cố, kiện toàn lại đội chống dịch cơ động, đội đáp ứng nhanh các cấp; các trang thiết bị, vật tư trong công tác phòng, chống dịch.

Đối với bệnh SXH, năm 2022, sau giai đoạn đại dịch COVID-19, dịch bệnh SXH trong cả nước cũng như An Giang tăng đột biến. Số trường hợp mắc SXH tăng 6,5 lần so cùng kỳ (16.378/2.510 ca) và tăng 2,2 lần so trung bình 5 năm (2016 - 2020). Trong đó, ghi nhận 4 ca tử vong trong năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2023, số trường hợp mắc toàn tỉnh giảm 67,2% so cùng kỳ (2.275/6.940 ca), bệnh có chiều hướng giảm, số ca mắc hiện tại trong ngưỡng dự báo dịch.

Để phòng, chống dịch hiệu quả, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tích cực triển khai giám sát các ca bệnh truyền nhiễm; triển khai 13 điểm giám sát côn trùng cố định tại 11 huyện, thị xã, thành phố, nhằm đánh giá mật độ côn trùng để cảnh báo sớm.

Đồng thời, giám sát phân lập virus, giám sát huyết thanh, nhằm phát hiện các type virus lưu hành tại địa phương để phòng ngừa chủ động. Ngoài ra, công tác xử lý ổ dịch được chủ động thực hiện với nhiều lần phun dập dịch diện rộng, thường xuyên tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng. Đồng thời, triển khai rộng khắp truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao kiến thức và thực hành của người dân trong phòng, chống dịch.

Công tác phòng, chống bệnh tay - chân - miệng cũng đáng ghi nhận trong giai đoạn vừa qua. Năm 2021, có 1.629 trường hợp mắc, giảm 10% so cùng kỳ. Đến năm 2022, dịch tay - chân - miệng tăng đáng kể, với 3.778 trường hợp mắc, tăng 131,9% so năm 2021, không có trường hợp tử vong. 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 863 ca mắc, giảm 28,5% so cùng kỳ. Để có thể giảm số mắc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nghiêm túc giám sát các ca bệnh truyền nhiễm; xử lý triệt để ổ dịch tại cộng đồng và tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch.

Công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người (cúm A (H5N1), bệnh than, bệnh dịch hạch, bệnh xoắn khuẩn vàng da, bệnh dại, bệnh liên cầu lợn ở người…) và các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác (bệnh tả, bệnh do não mô cầu, bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, rubella, sốt rét, đậu mùa khỉ…) luôn được ngành y tế quan tâm và chủ động phòng bệnh. Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay, tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc những bệnh này. Tuy vậy, việc giám sát và triển khai phòng ngừa luôn được nghiêm túc thực hiện.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, việc phòng, chống dịch thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tiên, sự xuất hiện type virus DEN-1 và DEN-2 làm số ca mắc SXH tăng nhanh và có nhiều ca nặng, tử vong xảy ra trong năm. Khi lưu thông tăng cao giữa các vùng, miền, các loại dịch bệnh cũng gia tăng theo, đặc biệt là bệnh SXH. Bên cạnh đó, dịch bệnh tay - chân - miệng tăng nhanh do điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus gây dịch phát triển, xuất hiện chủng EV71 độc tính cao. Thêm vào đó, dịch bệnh mới nổi, dịch bệnh lưu hành diễn biến phức tạp, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất nhanh nếu mầm bệnh lưu hành trong cộng đồng. Đây là một trong những thách thức lớn của ngành y tế trong ứng phó với các dịch bệnh tái nổi và mới nổi thời gian tới.

Để phòng, chống dịch hiệu quả, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế; tăng cường năng lực điều trị các tuyến, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch. Đặc biệt, đẩy mạnh truyền thông tình hình dịch và các biện pháp phòng chống, giúp người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

HẠNH CHÂU