Tăng trách nhiệm lãnh đạo địa phương
Dù mới bắt đầu mùa mưa chưa lâu nhưng ghi nhận từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ mưa, giông, lốc, sét, làm 1 người chết do bị sét đánh; 146 căn nhà bị sập và tốc mái; 54,32ha lúa, hoa màu bị đổ, ngã. Mưa giông còn làm tốc mái nhà kho, trại quán của người dân.
Trong khi đó, sạt lở diễn ra nghiêm trọng và nguy hiểm hơn, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2022; không chỉ sạt lở sông, kênh lớn mà còn len vào các tuyến kênh, rạch nội đồng. Ghi nhận 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 45 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài 2.218m, ảnh hưởng đến 79 căn nhà cần di dời khẩn cấp và nhiều công trình, vật kiến trúc khác (cùng kỳ năm 2022, xảy ra 15 điểm, chiều dài 757m, ảnh hưởng 12 căn nhà).
Sang đầu tháng 7, lại liên tiếp diễn ra sạt lở. Điển hình như ngày 3/7, trên tuyến đường bờ Nam kênh Đào (ấp Mỹ Chánh, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú) đã xảy ra sạt lở tại vị trí tiếp giáp với đoạn sạt lở cũ. Tổng chiều dài sạt lở khoảng 5m, ăn sâu vào mặt đê 2,5m, sụp xuống khoảng 2cm. Cũng trong ngày 3/7, trên tuyến kênh Mương Sung (thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới) đã xảy ra răn nứt, sụt lún đất; tổng chiều dài khoảng 45m.
Tại thị trấn An Phú (huyện An Phú), chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra sạt lở. Mới đây, ngày 10/7, địa bàn khóm An Hưng (thị trấn An Phú), tại vị trí sụt lún ngày 7/7/2023 (thuộc bờ Bắc kênh Mới, cách Trung tâm Y tế huyện An Phú về phía Nam khoảng 170m; chiều dài sụt lún khoảng 20m, ngang khoảng 3m, sụp lún sâu khoảng 0,5m), tiếp tục sụt lún thêm độ sâu khoảng 1,5 - 2m, vết nứt ăn sâu vào mép lộ nhựa khoảng 0,3 - 0,5m và lộ nhựa có nguy cơ bị sụp thêm...
Có thể thấy, ngoài những điểm sạt lở mới, thì ở những đoạn bờ sông, kênh, rạch thường xảy ra sạt lở, nguy cơ sạt lở mở rộng là rất lớn. Trong văn bản chỉ đạo mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư giao thẩm quyền và tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu UBND cấp xã, cấp huyện trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đối với các loại hình thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).
Chuẩn bị đón mùa khô khắc nghiệt
Ngày 8/5/2023, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có Công văn 501/TCKTTV-QLDB, nhận định về tình hình nguồn nước đến cuối năm 2023 với nhiều tín hiệu đáng lo. Theo đó, từ nửa cuối năm 2023, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang pha nóng (El Nino) với xác suất khoảng 70 - 80% và có thể kéo dài sang năm 2024. Nền nhiệt độ năm 2023 cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), số ngày nắng nóng xuất hiện nhiều hơn và gay gắt hơn so năm 2022.
Ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, từ tháng 5 - 7/2023, tổng lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN. Sang tháng 8, tổng lượng mưa có xu hướng cao hơn TBNN từ 5 - 20%; tháng 9 xấp xỉ TBNN; từ tháng 10, thấp hơn từ 10 - 20% so TBNN. Từ tháng 5 - 7/2023, tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong về hạ lưu ĐBSCL có xu thế tăng dần, nhưng vẫn ở mức thấp hơn từ 10 - 20% so TBNN; đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long năm nay dự báo thấp.
Khi hiện tượng El Nino xuất hiện nửa cuối năm 2023 và duy trì trạng thái đến năm 2024, Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhận định tương tự El Nino năm 2009 - 2010 và 2018 - 2019. Với tình trạng này, nhiệt độ trung bình tại các khu vực cao hơn TBNN; lượng mưa các khu vực phổ biến thiếu hụt so TBNN. Nguy cơ những tháng đầu năm 2024, nguồn nước trên sông Mekong có khả năng thiếu hụt so TBNN.
Phó Trưởng ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, với tác động của El Nino, khả năng ảnh hưởng đến sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất của người dân khi hạn hán, thiếu nước xảy ra gay gắt, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2023 và giữa năm 2024.
Để ứng phó với hạn hán, thiếu nước, Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu triển khai hiệu quả cả biện pháp phi công trình và biện pháp công trình. Trong đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong sinh hoạt và sản xuất. Hiện nay, Công ty Cổ phần Điện nước An Giang có kế hoạch triển khai 43 công trình, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn triển khai 26 công trình cấp nước sinh hoạt, phục vụ cho các hộ dân ở các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước ở các xã giáp tỉnh Kiên Giang, các xã vùng cao, vùng sâu, khu vực thiếu nước trên địa bàn An Giang.
Đối với sản xuất nông nghiệp, tỉnh có kế hoạch nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi. Trong trường hợp có hạn hán, thiếu nước gay gắt kéo dài, cần nạo vét thêm khoảng 191 công trình kênh, mương có nguy cơ cạn kiệt cao; sẵn sàng lắp đặt các trạm bơm chống hạn, cứu 1.485ha lúa vùng cao huyện Tri Tôn (xã Ô Lâm), TX. Tịnh Biên (xã An Nông và An Hảo) của nông dân Khmer; duy tu, sửa chữa 50 công trình cống để trữ nước phục vụ tưới tiêu trong điều kiện khô hạn, nắng nóng gay gắt kéo dài…
Tổng nguồn kinh phí ứng phó nắng nóng, khô hạn những tháng cuối năm 2023, kéo dài sang mùa khô năm 2024 trên địa bàn An Giang khoảng hơn 296 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên sử dụng ngân sách cấp huyện, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; nguồn kinh phí của đơn vị cấp nước. Trường hợp vượt quá khả năng cấp huyện, sử dụng nguồn ngân sách tỉnh theo khả năng cân đối ngân sách của tỉnh. Đồng thời, sử dụng ngân sách Trung ương theo quy định tại Quyết định 305/QĐ-TTg, ngày 5/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
|
NGÔ CHUẨN