An Giang chú trọng công tác đánh giá cán bộ

08/06/2021 - 16:14

 - Đánh giá cán bộ là khâu cần thiết, gắn kết với tất cả các khâu khác trong công tác cán bộ của Đảng. Kết quả đánh giá cán bộ là căn cứ quan trọng để tiến hành các khâu khác liên quan đến cán bộ, đảng viên, như: quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ. Thời gian qua, An Giang luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đánh giá cán bộ, xem công tác đánh giá cán bộ là khâu then chốt của then chốt trong công tác xây dựng Đảng.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác đánh giá cán bộ trong toàn tỉnh nói chung đã có những chuyển biến cả về nhận thức và cách làm, được điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Quy trình đánh giá cán bộ thực hiện chặt chẽ, dân chủ, khách quan, có kết hợp đánh giá cán bộ với phân tích chất lượng đảng viên, kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên đôn đốc các Đảng ủy trực thuộc và Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ hàng năm.

Các đơn vị, địa phương thực hiện và chỉ đạo cấp dưới thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm vai trò, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương; lồng ghép việc kiểm điểm kết quả thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-6-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với kết quả thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương ở địa phương, cơ quan, đơn vị và việc thực hiện khắc phục hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức của từng cán bộ, đảng viên; kết hợp đánh giá cán bộ với đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, vừa tránh trùng lắp, vừa giảm bớt hội họp và tạo sự thống nhất trong đánh giá tổ chức Đảng, chính quyền.

Đa số các đơn vị, địa phương đã thực hiện đánh giá cán bộ nghiêm túc, chặt chẽ, dân chủ, khách quan. Lấy kết quả kiểm điểm của tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân, lấy kết quả kiểm điểm cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm tập thể và kết quả đánh giá cán bộ làm căn cứ để quy hoạch, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ. Đồng thời, giúp cán bộ phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, tiến bộ không ngừng trong việc nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực và hiệu quả.

 Công tác đánh giá cán bộ được tiến hành thường xuyên, không chỉ đánh giá theo định kỳ hàng năm, mà cán bộ còn được kiểm tra, giám sát thường xuyên và được đánh giá theo hàng quý, khi điều động, bổ nhiệm. Việc đánh giá cán bộ được đánh giá toàn diện về các mặt: hiệu quả công việc trong năm; trình độ chuyên môn; kết quả hoạt động của đơn vị, năng lực lãnh đạo, quản lý… Kết quả của công tác đánh giá định kỳ hàng năm đã kịp thời giúp cán bộ bổ sung các mặt còn khiếm khuyết và phát huy điểm tốt đã có. Việc tự nhận xét, tự đánh giá của cán bộ ngày càng sát thực tế, nhiều cán bộ mạnh dạn, thẳng thắn trong tự đánh giá, dám nhìn nhận vào những sai sót của bản thân và đề ra được phương hướng khắc phục phù hợp. Kết quả thực hiện công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp năm 2020 nhìn chung đều 90% hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cụ thể, cấp huyện, đã nhận xét đánh giá 159 cán bộ (trong đó, 27 cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 130 cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ); cấp cơ sở, 2.312 cán bộ được nhận xét đánh giá (trong đó, 622 cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 1.674 cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ).

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đạt được thì công tác đánh giá cán bộ thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế sau: vẫn còn một vài cơ quan, đơn vị thực hiện chưa đầy đủ nội dung quy định của Trung ương về công tác đánh giá cán bộ. Việc nhận xét, đánh giá còn chung chung, hình thức, chưa thật sự dân chủ, khách quan, có biểu hiện nể nang, né tranh, chưa chỉ rõ nhược điểm của từng cán bộ để phấn đấu.

Để phát huy những kết quả đạt được và tiếp tục thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ của tỉnh thời gian tới, An Giang cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác đánh giá cán bộ. Theo đó, cấp ủy các cấp, nhất là cấp ủy cấp huyện phải triển khai, quán triệt sâu, rộng các văn bản, quy định của Đảng và nhà nước đến từng đơn vị, tổ chức, cá nhân. Nêu cao vai trò của cấp ủy các cấp trong việc chỉ đạo các tổ chức thực hiện công tác đánh giá cán bộ. Đẩy mạnh sự chuyển biến tư duy, nhận thức của cấp ủy xem đánh giá cán bộ là công tác quan trọng; đánh giá cán bộ phải khách quan, phản ánh đúng năng lực, phẩm chất dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ.

Song song đó, hoàn thiện văn bản, quy định đánh giá đối với cán bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ kịp thời ban hành văn bản cụ thể hóa các văn bản của Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp thực hiện. Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá có tính định lượng cao, như: số lượng công việc mà cán bộ thực hiện, đã hoàn thành; tính chất, chất lượng, thời gian hoàn thành và hiệu quả mà công việc mang lại. Việc xây dựng cụ thể các tiêu chí sẽ góp phần nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ, đánh giá đúng thực chất về kết quả người cán bộ đạt được.

Cùng với đó, gắn kết quả đánh giá với thực tiễn công tác quản lý cán bộ. Bởi, công tác đánh giá cán bộ có hiệu quả hay không phụ thuộc vào kết quả đánh giá. Vì đây là cơ sở cho việc lập kế hoạch, quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực. Mặt khác, để quản lý cán bộ tốt cần phải am hiểu cán bộ tường tận, nắm rõ được phẩm chất, đạo đức, năng lực của người cán bộ. Muốn làm được điều đó cần phải đánh giá đúng người cán bộ, thông qua kết quả đánh giá cán bộ hàng năm, định kỳ làm cơ sở để quản lý cán bộ tốt hơn.

Hoàn thiện đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch cán bộ nhằm đánh giá chính xác, đúng thực chất cán bộ trong thực tiễn. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, kỹ năng đánh giá của các chủ thể tham gia đánh giá cán bộ. Theo đó, cá nhân cán bộ tự đánh giá phải nêu cao tinh thần trung thực, thẳng thắn, khách quan. Tập thể tham gia đánh giá cán bộ cũng phải nhận thức rõ đây không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mình mà còn trách nhiệm của tổ chức. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao trình độ và kỹ năng đánh giá cho người làm công tác đánh giá nhằm giúp cho công tác đánh giá cán bộ thực sự có chất lượng, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới. Đồng thời, tăng cường công tác sơ, tổng kết trong công tác đánh giá, xếp loại cán bộ…

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần XI Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp trong việc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ, coi trọng khâu đánh giá cán bộ, công tác chính trị nội bộ”. Nhiệm vụ này đòi hỏi các cấp ủy phải xem công tác cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước, của chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng; yêu cầu công tác cán bộ luôn là nhiệm vụ cấp bách, là nhiệm vụ thường xuyên phải làm.

THANH PHÁT