An Giang chung sức, đồng lòng vượt qua đại dịch

31/01/2022 - 06:00

 - Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch COVID-19, mức độ lây lan qua mỗi đợt dịch có xu hướng phức tạp hơn. Tại An Giang, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và nhân dân chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19 để nhân dân vui Tết an lành.

 

Nhà hảo tâm tặng đồ bảo hộ và găng tay y tế cho lực lượng làm nhiệm vụ. Ảnh: THANH HÙNG

Bộ đội Biên phòng cấp phát rau, củ, quả cho người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Ảnh: H.H

Đẩy lùi dịch bệnh

Đợt dịch thứ 4 tại An Giang phát hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng ngày 29-6-2021 tại thị trấn Long Bình (huyện An Phú). Mặc dù dịch bệnh diễn biến rất phức tạp nhưng với quyết tâm cao, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, chúng ta đã đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới. “Chưa năm nào như năm nay, khi mà phải “ăn tết cô-vy” liên tục mấy tháng liền do giãn cách xã hội. Mừng là dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động trở lại bình thường. Tất cả là nhờ vào sự chủ động, quyết tâm của Đảng, nhà nước và sự chấp hành của người dân” - ông Huỳnh Văn Hồ (TP. Long Xuyên) bày tỏ.

Xuyên suốt 2 năm nay (từ khi dịch bệnh xuất hiện ở nước ta), An Giang quyết tâm kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới tiếp giáp Campuchia dài khoảng 100km, hạn chế thấp nhất dịch bệnh xâm nhập vào nội địa. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sớm dự báo, nhận định tình hình, chủ động đề ra nhiều chủ trương, biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát dịch bệnh, nhất là duy trì kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới và các cửa ngõ ra vào tỉnh (đường thủy và đường bộ). Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, căng thẳng, các lực lượng tuyến đầu cùng hệ thống chính trị đã thần tốc, quyết liệt thực hiện các biện pháp truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, phong tỏa; linh hoạt tận dụng cơ sở vật chất của bệnh viện, trường học, khách sạn… để làm nơi cách ly, điều trị .

Xuất hiện nhiều cách làm hay, hiệu quả trong xét nghiệm, sàng lọc diện rộng; huy động lực lượng, phương tiện để kiểm soát các ổ dịch phức tạp. Các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người dân trong khu cách ly, khu phong tỏa được chăm lo chu đáo, kịp thời với sự tham gia đóng góp tiền, vật tư y tế, nhu yếu phẩm… của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã tiếp nhận đề nghị hỗ trợ gần 220.000 người, 1.633 doanh nghiệp, 583 hộ kinh doanh, với số tiền khoảng 267 tỷ đồng. Tiếp nhận, phân bổ cho người dân gặp khó khăn hơn 3.362 tấn gạo, hỗ trợ 224.152 người dân gặp khó khăn do dịch bệnh (hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội… Vận động hỗ trợ các nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết (sữa, bánh…) cho 519 phụ nữ mang thai và 5.203 trẻ em với số tiền 1 tỷ đồng.

Vợ chồng anh Trương Văn Quan và chị Trần Thị Ngọc (là công nhân ở tỉnh Bình Dương) cho biết:  “Hơn 3 tháng nghỉ việc, gia đình được địa phương (nơi làm việc) hỗ trợ 15kg gạo, trong khi đó tiền trọ mỗi tháng hơn 2 triệu đồng, hàng ngày phải lo cho 5 miệng ăn. Khi về quê, được địa phương lo ăn, uống đầy đủ, bà con xung quanh còn cho thêm rau, củ, quả nên không lo bị đói. Gia đình tôi rất biết ơn chính quyền đã cưu mang, giúp đỡ trong lúc khó khăn”.

Đoàn viên xã Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn) mang cơm đến khu cách ly. Ảnh: TRÚC PHA

Chuẩn bị các suất ăn trao cho người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Ảnh: H.H

Thích ứng linh hoạt

Việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tạo điều kiện phục hồi kinh tế nhưng cũng tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh. Do đó, An Giang xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 không để bùng phát.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang yêu cầu tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đoàn kết toàn dân trong phòng, chống dịch và khôi phục phát triển kinh tế - xã hội. Phải dự báo chính xác tình hình, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phát huy trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở, phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch.

Chủ động, thường xuyên cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn, điều chỉnh tiêu chí phân loại phù hợp diễn biến tình hình. Tiếp tục quản lý chặt chẽ việc thực hiện cách ly tập trung, cách ly tại nhà, khu phong tỏa; phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổ COVID-19 cộng đồng. Rà soát và chuẩn bị đầy đủ năng lực điều trị theo mô hình “Tháp 3 tầng”, tranh thủ sự hỗ trợ chuyên môn của bệnh viện tuyến trên và tăng cường hỗ trợ, nâng cao năng lực y tế cho tuyến huyện, xã. Vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai đã và đang hỗ trợ, hợp tác toàn diện trong đào tạo, chuyển giao kỹ thuật hiện đại tại chỗ (ECMO, lọc máu…), tư vấn cải tạo hệ thống ô-xy, khí nén, kết nối các trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của tỉnh An Giang với hệ thống hội chẩn trực tuyến tại Bệnh viện Bạch Mai.

Thành lập “Tổng đài tư vấn sức khỏe F0 tại nhà” đễ hỗ trợ người dân. Tất cả 156 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có Trạm Y tế lưu động sẵn sàng chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 tại nhà khi cần thiết. Tăng cường truyền thông về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, đầy đủ, giúp người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng… Cùng với đẩy nhanh bao phủ vaccine, tỉnh triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường, mũi bổ sung cho những người đã tiêm đủ liều cơ bản, theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Với những giải pháp chủ động và linh hoạt, An Giang đã và đang kiểm soát tình hình dịch bệnh để nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn phòng dịch.

Theo Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng, qua các hoạt động thiện nguyện ủng hộ công tác phòng, chống dịch, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, như: “Cây ATM gạo”, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Bếp ăn 0 đồng”, “Chuyến xe nghĩa tình”… với 190 điểm ở 156 xã, phường, thị trấn. Qua đó, hỗ trợ 1.230.741 lượt người với 113.607 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, khó khăn và đối tượng bán vé số, mua bán nhỏ lẻ… bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, ước tổng số tiền hơn 130 tỷ đồng.
UBMTTQVN tỉnh, Ban Cứu trợ tỉnh An Giang trao cho các huyện, thị xã, thành phố 3.300 phần quà Đại đoàn kết, 30.000 túi an sinh, 1.100 túi thuốc gia đình và 9.500 suất ăn cho người dân khó khăn. Đại diện các doanh nghiệp trao hỗ trợ Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố 12,5 tỷ đồng...

HỮU HUYNH