An Giang chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí

21/06/2023 - 05:54

 - Chủ đề chuyển đổi số được báo chí tuyên truyền liên tục, đậm nét. Nhưng chính báo chí cũng nằm trong dòng chảy mạnh mẽ ấy, nếu không muốn bị mất vị thế quan trọng vốn có.

Mấy mươi năm chuyển mình

Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng luôn coi báo chí là phương tiện hữu hiệu để giáo dục chính trị, lãnh đạo công tác tư tưởng; là vũ khí sắc bén trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc; là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Giai đoạn hiện nay, hoạt động báo chí hướng vào mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, xây dựng con người mới, lối sống mới XHCN, làm cho những nguyên lý cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội.

Sứ mệnh ấy đặt lên vai người làm báo cả nước, trong đó có An Giang. Gần 47 năm trước, Báo An Giang chỉ có 4 trang trắng đen, mỗi tháng phát hành vỏn vẹn 1 kỳ. Nhu cầu bạn đọc tăng lên, lượng thông tin cần chuyển tải ngày càng nhiều, tờ báo tăng gấp đôi, rồi gấp 3 số lượng trang; tháng 4/2002 tăng lên 3 kỳ/tuần, chạm mốc 4 kỳ/tuần vào tháng 11/2007, 5 kỳ/tuần vào tháng 4/2009. Ngày 19/5/2008, Báo An Giang online ra mắt độc giả, luôn nằm trong “tốp” báo Đảng địa phương thu hút đông đảo độc giả. Tháng 3/2023, tờ báo nằm trong tốp 20 báo Đảng địa phương có lượng truy cập cao nhất.

Tôi là thế hệ phóng viên chứng kiến quá trình tăng từ 8 lên 12 trang, trong đó có 4 trang màu. Chúng tôi không còn phải tranh thủ mỗi sáng chạy vào cơ quan trước 8 giờ để in bài viết, nộp trực tiếp cho thư ký tòa soạn nữa. Thay vào đó, hệ thống e-mail hỗ trợ quy trình nộp tin, bài, xuất bản báo nhanh cấp kỳ, lại tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức, giấy mực. Tất cả đều là nỗ lực của việc áp dụng công nghệ hiện đại vào làm báo, tìm ra hướng đi mới từng ngày. Điều đó minh chứng rõ nét lúc dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, tòa soạn vẫn hoạt động ổn định, chưa từng bị gián đoạn.

Câu chuyện diễn ra tương tự tại Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang. ThS Nguyễn Xuân Bằng (Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang) chia sẻ: “Lúc mới phát sóng, chương trình phát thanh chỉ thực hiện trên kênh AM, thời lượng khoảng 4,5 giờ/ngày, sau đó tăng lên 15 giờ/ngày; đến ngày 2/1/2012 phát sóng thêm kênh FM thời lượng 17,5 giờ/ngày.

Kênh truyền hình ATV phát sóng 24 giờ/ngày với 3 bản tin thời sự, các chuyên mục, chuyên đề, chương trình khoa giáo, phim truyện, phim tài liệu, chương trình văn nghệ - giải trí, truyền hình trực tiếp nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh…

Ngày 2/1/2011, Trang thông tin điện tử của đài chính thức hoạt động. Ngày 26/2/2020, trang YouTube “ATV Tin tức” ra mắt. Đến hiện tại, đài sở hữu nút bạc kênh YouTube “ATV Tin tức”, mở thêm kênh TikTok “ATV Tổng hợp”, Fanpage “ATV Tổng hợp”, góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của khán, thính giả trong và ngoài tỉnh”.

“Chạm” vào tương lai

Nhưng như thế vẫn chưa đủ, bởi sự phát triển của khoa học - công nghệ chưa dừng lại. Chỉ cần chậm một nhịp thôi, báo chí đã đi sau mạng xã hội, Internet, nhà báo chuyên nghiệp phải ngậm ngùi nhìn “nhà báo công dân” cướp mất công chúng. Từ việc phải mua báo sáng, mở ti-vi xem những gì được chiếu, độc giả ngày nay chỉ cần mở điện thoại để đọc tin tức mới nhất, lướt qua tin tức không muốn xem, dừng lại ở nội dung mình quan tâm. Đó là lý do các cơ quan báo chí phải chuyển đổi số mạnh mẽ, với quan điểm: Chuyển đổi hay là “chết”.

Theo Quyết định 348/QĐ-TTg, ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nêu rõ: “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”.

Đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học - công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo xu hướng báo chí số. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

Thực tiễn triển khai cho thấy, có thể coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, năm 2021 bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch COVID-19, năm 2022 đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.

Cũng trong thời gian này, UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang cùng các sở, ngành liên quan chủ động phối hợp bộ, ngành Trung ương triển khai sử dụng các nền tảng số quốc gia. Hiện nay, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang được đầu tư bổ sung, nâng cấp các phim trường theo chuẩn HD (gần 43,6 tỷ đồng); hệ thống thiết bị, hệ thống mạng sản xuất chương trình và lưu động theo chuẩn HD (hơn 43,5 tỷ đồng).

Đánh dấu kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), Báo An Giang điện tử ra mắt giao diện mới (https://baoangiang.com.vn), bổ sung tính năng phù hợp với nhu cầu độc giả báo điện tử hiện nay, theo 3 giá trị: “Chuẩn mực - Hiện đại - Thân thiện”.

Nhà báo Phạm Thanh Miêng (Trưởng phòng Báo điện tử) chia sẻ: “Chúng tôi bổ sung các tiện ích mới, ấn tượng thị giác bằng cách tăng số lượng tin, bài, hình ảnh, clip… giới thiệu, tuyên truyền hoạt động của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh tại các khu vực tạo điểm nhấn, với cỡ chữ, cỡ ảnh được trình bày hiện đại. Trong đó, các vị trí nổi bật ưu tiên sự kiện quan trọng trong ngày. Giao diện mới được thiết kế thành 2 phiên bản trên nền tảng desktop (máy tính) và mobile (điện thoại thông minh), phù hợp cách thức tiếp cận đa dạng của độc giả”.

Gần trăm năm báo chí cách mạng vững vàng trước mọi thách thức của chiến tranh, của đặc thù nghề nghiệp. Giờ đây, đội ngũ làm báo lại đứng trước thách thức chuyển đổi số. Trong đó, thách thức lớn nhất nằm ở chỗ bản thân người làm báo phải tự đổi mới mình, theo kịp dòng nước xiết để hòa vào biển lớn công nghệ.

GIA KHÁNH