An Giang đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08/01/2024 - 06:22

 - Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Tại An Giang, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ,TB&XH) đưa 520 người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (chỉ tiêu 300 người). Tỷ lệ lao động được đào tạo so tổng số lao động đạt gần 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 28,8%.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH An Giang Nguyễn Hoàng Minh Thư, tỉnh tổ chức thành công ngày hội tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp, hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN)... Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN chủ động phối hợp địa phương, doanh nghiệp (DN) tuyên truyền, tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp.

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề tiếp tục được triển khai hiệu quả, như: Miễn giảm học phí; chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo đơn đặt hàng; chính sách hỗ trợ học nghề cho đối tượng đặc thù. Qua đó, chỉ tiêu tuyển sinh nghề nghiệp ở các cấp trình độ cao hơn so cùng kỳ.

Tỉnh triển khai tốt Chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; giải ngân 193 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 5.071 lao động, mức thu nhập bình quân hơn 8 triệu đồng/lao động/tháng. Phối hợp tổ chức 14 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm; 66 cụm, điểm tư vấn kết nối việc làm cho NLĐ tại 10 huyện, thị xã, thành phố. Kết quả, đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 42.268 lượt người, đạt 158% kế hoạch; trong đó gần 4.500 lượt người có việc làm.

Đào tạo nghề, gắn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn

Năm 2023, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp 28.319 người (141% kế hoạch năm). Trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi); tổ chức 465 lớp với 7.650 học viên, kinh phí khoảng 8,2 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (1.245 học viên, hơn 1,8 tỷ đồng). Tổng số 22.034 học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp (146% kế hoạch năm); khoảng 18.000 học sinh, sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm (82%). Trên 80% lao động sau đào tạo được giải quyết việc làm và cho thu nhập ổn định.

Công tác đào tạo nghề đa dạng về hình thức và loại hình đào tạo, số lượng cơ sở đào tạo nghề trên bàn cũng tăng lên. Đến nay, 26 cơ sở GDNN được cấp phép hoạt động, gồm: 2 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 9 trung tâm GDNN và 12 cơ sở khác tham gia đào tạo nghề. Sau nhiều lần cập nhật, bổ sung, điều chỉnh theo kiến nghị của địa phương, cơ sở GDNN, hiện nay danh mục hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn có 61 nghề. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp 13 nghề (đào tạo dưới 3 tháng), lĩnh vực phi nông nghiệp là 48 nghề (22 nghề đào tạo trình độ sơ cấp, 26 nghề đào tạo trình độ dưới 3 tháng).

Điển hình như Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An Giang (huyện Chợ Mới). Đơn vị thực hiện tốt công tác đào tạo trung cấp, sơ cấp, đào tạo thường xuyên và hệ giáo dục thường xuyên; liên kết đào tạo với các trường trung cấp, cao đẳng, đại học theo yêu cầu của địa phương. Thời gian qua, trường đào tạo hiệu quả các nghề, như: Gia công và thiết kế sản phẩm mộc, may thời trang, kỹ thuật xây dựng, điện công nghiệp, hàn, quản trị mạng máy tính, xây dựng dân dụng, sửa chữa xe máy, điện lạnh, điện công nghiệp, hàn điện... Học viên được giới thiệu việc làm sau khi học.

Để đào tạo nghề hiệu quả, Sở LĐ,TB&XH phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo khảo sát, thống kê định hướng nghề nghiệp, nhu cầu đào tạo, nguyện vọng nghề nghiệp của học sinh cuối cấp THCS, THPT, học sinh học giáo dục thường xuyên; nhu cầu sử dụng và đào tạo lao động của DN, nhằm dự báo nhu cầu đào tạo nghề của người học và tuyển dụng, sử dụng, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ tại DN. Trên cơ sở khảo sát, Sở LĐ,TB&XH và các cơ sở GDNN xác định danh mục ngành, nghề đào tạo thực tế theo nhu cầu của người học, DN; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo danh mục nghề của Bộ LĐ,TB&XH chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của DN lẫn NLĐ. Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH An Giang Nguyễn Thị Bảo Trân cho biết: “Đơn vị phối hợp các địa phương rà soát, sắp xếp cơ sở GDNN hiện có phù hợp với quy định. Hàng năm, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp tình hình thực tế, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của DN, thị trường lao động.

Phối hợp DN, địa phương, cơ sở GDNN tổng hợp, rà soát nhu cầu, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ phù hợp với DN, địa phương. Đồng thời, tăng cường gắn kết DN với cơ sở GDNN đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp có kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập. Tăng cường quản lý, kiểm định chất lượng đào tạo nghề; kiểm tra, giám sát hoạt động của một số cơ sở GDNN”.

HẠNH CHÂU