An Giang đẩy mạnh chuyển đổi số

04/10/2023 - 21:53

 - Chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam sớm có chương trình, chiến lược về chuyển đổi số quốc gia. Cùng với cả nước, An Giang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số và đạt những kết quả tích cực.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định “Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số” và Chương trình chuyển đổi số của tỉnh được xác định là một trong 6 chương trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Chương trình chuyển đổi số tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2030 (Chương trình 553/CTr-UBND, ngày 9/9/2021) có 53 dự án, nhiệm vụ với dự toán trên 389 tỷ đồng; đến nay, có 23/53 dự án, nhiệm vụ được triển khai với tổng kinh phí trên 56 tỷ đồng. Về chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của tỉnh, năm 2020 xếp hạng 29/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (321,1 điểm); năm 2021 đứng thứ 42/63 tỉnh, thành phố (346,2 điểm); năm 2022 đứng thứ 54/63 tỉnh, thành phố (497,2 điểm).

Tuy điểm hàng năm có tăng nhưng xếp hạng giảm do các tỉnh, thành phố khác có điểm tăng cao vượt bậc. 6 tháng đầu năm 2023, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh xếp mức độ A và hạng 4/63, đây là tín hiệu tích cực...

Hội nghị về chuyển đổi số của tỉnh

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tỉnh thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng hỗ trợ triển khai Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến tận cấp cơ sở, xã, tổ, đội. Đã thành lập 887 tổ công nghệ số cộng đồng tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố, với 6.517 thành viên. Tổ chức tập huấn và hướng dẫn cài đặt, sử dụng các nền tảng số bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp, như: Tạo tài khoản cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, VNeID, thanh toán không dùng tiền mặt (VNPT Pay, Viettel Money...), Sổ sức khỏe điện tử, bảo hiểm xã hội (VssID)... Tổ chức các hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số, chuỗi sự kiện “Chuyển đổi số tỉnh An Giang năm 2022”; hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số”. Duy trì vận hành chuyên trang Chuyển đổi số tỉnh An Giang tại địa chỉ https://dti.angiang.gov.vn/, góp phần giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân cập nhật các thông tin về chuyển đổi số.

UBND tỉnh An Giang ban hành quy chế vận hành các hệ thống dùng chung của tỉnh, quy chế đảm bảo an toàn thông tin trong nội bộ cơ quan Nhà nước. Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh An Giang gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng. Dự án Trung tâm Dữ liệu, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh được chấp thuận chủ trương đầu tư; có 8/11 huyện, thị xã, thành phố triển khai thử nghiệm IOC cấp huyện. Thử nghiệm triển khai hiệu quả một số dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh và thử nghiệm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh… Phát triển các ứng dụng, hệ thống camera giám sát, phân tích dữ liệu giám sát an toàn, an ninh trật tự, quốc phòng - an ninh và phòng, chống tội phạm… 

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu chung của ngành giáo dục (địa chỉ http://csdl.moet.gov.vn) và các phần mềm quản lý khác, đảm bảo kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm cơ sở dữ liệu chung của ngành… Lĩnh vực du lịch, đã vận hành “Không gian số tỉnh An Giang” (iSpace) góp phần tăng cường truyền thông, tạo kết nối, tương tác và trải nghiệm mới đối với các công trình kiến trúc, cảnh quan, điểm du lịch, sản phẩm, dịch vụ…

Trong nông nghiệp, nhiều mô hình ứng dụng chuyển đổi số, tạo chuyển biến từ khâu sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ nông sản, như: Sản xuất lúa không dấu chân (sử dụng máy bay không người lái sạ lúa và phun thuốc); điều khiển trang trại gia súc, gia cầm tự động trên điện thoại thông minh; giám sát, xử lý ao nuôi cá tra bằng cảm biến…

Lĩnh vực y tế, ngày 26/1/2022, khai trương Tổng đài 1022 hỗ trợ, tư vấn F0 (mắc bệnh COVID-19) điều trị tại nhà. Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh (tại TP. Châu Đốc) là bệnh viện đầu tiên của tỉnh được Bộ Y tế công nhận triển khai thành công bệnh án điện tử. Tháng 6/2023, Trung tâm Y tế huyện Châu Phú được Bộ Y tế công nhận thực hiện bệnh án điện tử. Ngành y tế tiếp tục triển khai đăng ký khám bệnh và thanh toán không dùng tiền mặt; đang đẩy mạnh thực hiện bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế; triển khai thí điểm Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh ngành y tế…

Ra mắt Trung tâm Điều hành thông minh IOC huyện An Phú

Lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nhiều ngân hàng triển khai dịch vụ ngân hàng số, như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với mô hình kinh doanh số (Vietcombank digital); Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) triển khai LiveBank giúp khách hàng đăng ký vân tay, nhận diện khuôn mặt và định danh điện tử (eKYC) đăng ký, đăng nhập tài khoản; Ngân hàng Quốc tế (VIB) ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn vào quy trình phát hành thẻ tín dụng dành riêng cho mua sắm trực tuyến online Plus… 

Để thực hiện đạt mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh yêu cầu tiếp tục nêu cao quyết tâm của người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Các sở, ban, ngành, địa phương chủ động phối hợp Sở TT&TT rà soát, tham mưu triển khai các nhiệm vụ, đề án theo Chương trình 553/CTr-UBND. Sở TT&TT chủ trì rà soát, hệ thống lại tất cả các nhiệm vụ liên quan chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, kể cả các nhiệm vụ chuyển đổi số thuộc Đề án 06/CP, chương trình cải cách hành chính và tham mưu thực hiện hiệu quả. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tiếp tục phối hợp, hỗ trợ triển khai giải pháp phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đặc biệt quan tâm giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp về: Thanh toán thuế điện tử, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, các ví thanh toán liên thông...

Chính quyền số giúp nền hành chính tỉnh hoạt động hiệu quả, hiệu lực, minh bạch hơn. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, tăng năng suất lao động, tạo ra hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức; thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống.


HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích