An Giang đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống buôn lậu trong tình hình mới

28/06/2023 - 05:21

 - Những năm gần đây, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước nói chung, An Giang nói riêng diễn biến rất phức tạp. Đối tượng buôn lậu không từ bỏ bất cứ hành vi nào (có thể lợi dụng được) để đưa hàng qua biên giới. Ngoài hoạt động buôn bán trên đường bộ, đường sông, biển và hàng không, chúng còn lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trên không gian mạng.

Diễn biến phức tạp

Qua theo dõi, kiểm tra, lực lượng chức năng xác định, hoạt động thương mại điện tử diễn ra đa dạng và phức tạp. Chính sự phát triển của công nghệ thông tin, người tiêu dùng ở Việt Nam có thể đặt mua các loại hàng hóa trên khắp thế giới, từ bánh kẹo, rượu, nước giải khát... đến các loại hàng điện tử (máy tính, máy chụp hình, máy in 3D), các loại thuốc tân dược có xuất xứ từ các nước phát triển, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Nếu tại thị trường Hoa Kỳ, khách hàng ở Việt Nam có thể đặt mua các loại hàng hóa của các nhãn hãng nổi tiếng, như: Nike, Adidas, Polo… thì ở Nhật Bản, người ta có thể đặt mua các mặt hàng điện máy, điện tử, điện lạnh, như: Máy cấp đông IQF (phục vụ chế biến thủy sản), dây truyền đóng gói bao bì đến các loại bánh truyền thống, bánh tây. Riêng thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc... khách hàng thường đặt mua các loại sâm, thuốc bắc…

“3 năm trở lại đây, việc mua hàng trên không gian mạng diễn ra rất nhanh chóng, thuận lợi. Tôi ở Long Xuyên nhưng có thể đặt mua hàng hóa ở nước ngoài, qua các kênh livestream bán hàng của Việt kiều ở nước ngoài. Nhận hàng nhanh chóng, thanh toán cũng thuận tiện” - chị Nguyễn Thị Kiều (phường Long Thạnh, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Lãnh đạo TX. Tân Châu đẩy mạnh quan hệ ngoại giao để giữ gìn hòa bình khu vực biên giới, hợp tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu

Thương mại điện tử phát triển, một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho nhà sản xuất, phân phối hàng với số lượng lớn, kết nối nhà sản xuất với người tiêu dùng. Ngay nay, với phương thức thanh toán quốc tế, các ngân hàng trong và ngoài nước đưa ra nhiều loại hình dịch vụ thanh toán, giúp người mua lẫn người bán thực hiện thanh toán rất thuận lợi.

Ưu điểm của thương mại điện tử là vậy, song loại hình này tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó không loại trừ trường hợp, đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng loại hình này để thực hiện hành vi bất hợp pháp.

Tại An Giang, hơn 3 năm qua, đã từng xảy ra nhiều trường hợp, người bán khi đăng hàng hóa trên website, Zalo, Facebook hoặc livestream trực tiếp thì giới thiệu là hàng tốt, có xuất xứ rõ ràng nhưng khi giao hàng lại không bảo đảm chất lượng, từ đó nảy sinh tranh chấp và nhiều hệ quả khác xảy ra…

Giải pháp đấu tranh

“Hôm trước, tôi có mua thuốc tân dược trên một kênh bán hàng livestream. Khi mua, tôi cứ tưởng đó là thuốc mới sản xuất, nào ngờ khi nhận được hàng, thuốc đã quá thời gian sử dụng, trong khi đã thanh toán tiền xong” - chị Kiều chia sẻ thêm.

 Ngoài thủ đoạn bán hàng gian dối, thương mại điện tử còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khác đối với loại hình này, trong đó có hoạt động buôn lậu, bán hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Trước sự phát triển nhanh của loại hình thương mại điện tử, cuối năm 2021, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành kế hoạch phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên không gian mạng, đồng thời chỉ đạo các địa phương, theo dõi sát diễn biến để có kế hoạch đấu tranh, chống thất thu cho ngân sách và bảo vệ người tiêu dùng trong nước.

“Mục đích của việc xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng, chống buôn lậu trên không gian mạng là nhằm phát huy hiệu quả của công tác phối hợp giữa các sở, ngành, lực lượng chức năng. Qua đó, kịp thời phát hiện, đấu tranh và ngăn chặn có hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực của lực lượng chức năng trong công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các vụ việc có dấu hiệu tội phạm…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Trần Anh Thư chia sẻ.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các địa phương và lực lượng chức năng là tăng cường sự lãnh, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động này.

Các địa phương và lãnh đạo các cơ quan chức năng lựa chọn những cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao để quản lý, theo dõi hoạt động phòng, chống buôn lậu, vi phạm pháp luật và tội phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên không gian mạng; tăng cường hơn nữa công tác trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng để thực hiện có hiệu quả công tác này thời gian tới…

“Tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để nâng cao năng lực quản lý, thực thi công vụ của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cùng các địa phương, đồng thời tuyên truyền để người dân không tham gia buôn lậu, gian lận thương mại trên không gian mạng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Trần Anh Thư chỉ đạo.

 

MINH HIỂN