Những nỗ lực
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang cho biết, đến nay, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt 19.700ha, chiếm hơn 90% diện tích cây lâu năm, tăng 155ha so cùng kỳ năm 2023. Diện tích đang cho trái khoảng 17.200ha, tổng sản lượng cả năm ước đạt 350.000 tấn.
Trong các loại cây ăn trái, xoài có diện tích lớn nhất với 12.303ha (chiếm 62,4%), đang cho trái 10.647ha. Ngoài vụ thuận (từ tháng 1 - 4) và vụ nghịch (từ tháng 10 - 12), nông dân An Giang đã biết cách điều khiển cây xoài cho trái rải rác ở các tháng còn lại, nhằm tiêu thụ sản phẩm có giá hơn, nhưng sản lượng không nhiều. Năng suất xoài ước đạt 21,2 tấn/ha, sản lượng 225.645 tấn (vụ thuận chiếm 70 - 80% sản lượng), tập trung vào 3 giống xoài chính (xoài keo, cát Hòa Lộc và ba màu).
Đối với mít, trong diện tích 1.900ha, có 750ha đang cho trái, năng suất 30 - 31,6 tấn/ha, sản lượng năm 2024 ước đạt 22.500 tấn. Với cây có múi, diện tích 1.540ha, trong đó cam 295ha (cho trái 230ha), quýt 225ha (cho trái 140ha), bưởi 535ha (cho trái 300ha), chanh 485ha (cho trái 400ha); năng suất 13 - 20 tấn/ha, sản lượng năm 2024 ước 11.036 tấn.
Trong khi đó, diện tích chuối đạt 656ha (có 560ha cho sản phẩm), sản lượng khoảng 14.000 tấn. Tổng diện tích nhãn cả tỉnh 522ha (cho trái 290ha), sản lượng năm 2024 ước đạt 2.581 tấn. Loại cây ăn trái mới nổi gần đây là sầu riêng, diện tích hiện đạt 598ha (cho trái 122ha), năng suất bình quân 30 - 31 tấn/ha, sản lượng khoảng 3.600 tấn, tập trung chủ yếu ở các huyện Thoại Sơn, Chợ Mới, Châu Thành, Tri Tôn, Phú Tân và Châu Phú.
Truy xuất nguồn gốc
Trên cơ sở Quyết định 1753/QĐ-UBND, ngày 31/10/2023 của UBND tỉnh về “Thiết lập, quản lý, kiểm tra, giám sát cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2025”, Chi cục TT&BVTV An Giang xây dựng Kế hoạch 73/KH-CCBVTV, ngày 31/1/2024. Trong quý I/2024, đơn vị cấp mới 19 mã số, diện tích 202ha ở huyện Chợ Mới, An Phú, TX. Tịnh Biên và TX. Tân Châu.
Sản phẩm trái cây được truy xuất nguồn gốc
Sản phẩm vùng trồng được cấp mã số là xoài (xoài keo, xoài ba màu, xoài thanh ca), nhãn xuồng, xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Nhật Bản. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã cấp 429 mã số, diện tích 16.723ha. Trong đó, lúa có 131 mã số, diện tích hơn 7.900ha; cây ăn trái 297 mã số, diện tích 8.777ha; ớt có 1 mã số, diện tích 24ha. Từ việc đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, nhiều sản phẩm cây ăn trái của tỉnh đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand, Úc, Liên minh Châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản.
Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, thời gian qua, 12 DN có kế hoạch liên kết, tiêu thụ 1.585ha cây ăn trái trên địa bàn tỉnh, đạt 9,2% diện tích cho trái. Tuy nhiên, khi triển khai ký hợp đồng liên kết, diện tích đạt 1.714ha, cao hơn kế hoạch, tập trung vào các DN: Hoàng Phan 500ha, Hoàng Phát Fruit 400ha, Antesco 200ha, nông sản Chú Chín 200ha, Cát Tường 162ha, Chánh Thu 14ha, Lộc Trời 6ha...
Diện tích chưa ký hợp đồng, hầu hết được các vựa, thương lái thu gom và cung cấp trực tiếp lại cho DN theo kiểu cam kết. Ngoài ra, sản phẩm cây ăn trái của An Giang còn cung cấp cho siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi.
Phát huy lợi thế
Thực tế hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhiều thị trường cao cấp ưa chuộng sản phẩm hữu cơ. Do vậy, ngành nông nghiệp cùng các địa phương tiếp tục chuyển đổi diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả sang loại cây ăn trái phù hợp, xây dựng vùng chuyên canh tập trung năm 2024 với quy mô 10.003ha, gồm: Xoài 8.948ha, chuối nuôi cấy mô 300ha, sầu riêng 280ha, nhãn 330ha, cây có múi 145ha; phấn đấu diện tích được cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái đạt 3.617ha.
Đến nay, An Giang hình thành các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), hội làm vườn, như: HTX sản xuất GAP Cù Lao Giêng, HTX trái cây GAP Chợ Mới (huyện Chợ Mới), chủ yếu sản xuất xoài ba màu; HTX nông nghiệp Long Bình (huyện An Phú), chủ yếu sản xuất xoài keo; THT làm vườn Bến Bà Chi (huyện Tri Tôn), Hội làm vườn An Sơn Bảy Núi (TX. Tịnh Biên), chủ yếu sản xuất xoài cát Hòa Lộc...
Thời gian tới, ngành chuyên môn tỉnh và các địa phương tiếp tục hỗ trợ thành lập, củng cố lại HTX, THT, làm đầu mối liên kết tiêu thụ cây ăn trái trên địa bàn tỉnh; chủ động tìm kiếm và kết nối DN liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo ngành hàng cây ăn trái phát triển bền vững.
HOÀNG XUÂN