An Giang đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp

04/01/2024 - 06:52

 - Mặc dù kinh tế có bước phục hồi, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh (SXKD), triển khai dự án đầu tư. Dự kiến năm 2024, An Giang sẽ thường xuyên tổ chức hoạt động đối thoại với DN, kịp thời lắng nghe, nắm bắt khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, đồng hành và chia sẻ cùng DN, xem sự phát triển của DN là sự phát triển của tỉnh.

Kinh tế phục hồi

Thông tin tại Hội nghị đối thoại DN năm 2023, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) An Giang Trang Công Cường cho biết, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023 đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 15 chỉ tiêu phát triển KTXH, có 14 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết HĐND tỉnh.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 7,34% - mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn đạt 7.045 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 41.320 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,2 tỷ USD, đều vượt kế hoạch đề ra.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đối thoại với doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo cơ sở cho tỉnh hoạch định chính sách phát triển lâu dài, thu hút đầu tư hiệu quả hơn. Tỉnh đã khởi công tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; đề xuất dự án tuyến nối từ điểm đầu cao tốc đến cửa khẩu Tịnh Biên và cửa khẩu Khánh Bình (được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho nghiên cứu thực hiện), tạo hành lang phát triển mới từ An Giang xuống cảng nước sâu Trần Đề. Các nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh hoàn thành tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên; cầu Châu Đốc, tuyến đường liên kết vùng (N1); Đường tỉnh 945 xuống Kiên Giang…

Theo ông Trang Công Cường, tỉnh có thêm 965 DN thành lập mới, 968 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động, tổng số vốn đăng ký 6.532 tỷ đồng. So năm 2022, số DN đăng ký mới tăng 11,5%, số đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động tăng 6,6%. UBND tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, hoạt động khá hiệu quả, được DN đồng tình, ủng hộ.

Vẫn còn khó khăn

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang Nguyễn Thị Kim Chi, mặc dù nền kinh tế đang hồi phục, số DN đăng ký mới tăng, nhưng DN vẫn đứng trước nhiều khó khăn, cả đầu vào lẫn đầu ra, không ít DN ngưng hoạt động. Đặc thù của An Giang có hơn 90% DN là nhỏ và siêu nhỏ, dễ bị ảnh hưởng trước biến động thị trường. “Gần đây, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tham gia đoàn của Liên đoàn Lao động tỉnh đi thăm hỏi, tặng quà công nhân khó khăn, hỏi 10 DN thì cả 10 DN đang bị giảm đơn hàng, thu nhập người lao động giảm” - bà Chi thông tin.

Thực tế hiện nay, DN vừa và nhỏ trong tỉnh rất khó tiếp cận chính sách hỗ trợ, do thủ tục phức tạp, quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo. Qua 2 năm đại dịch COVID-19, DN hầu như không còn tài sản để thế chấp, khó tiếp cận vốn vay ưu đãi từ ngân hàng. “Thời gian qua, Ban Hỗ trợ DN thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tích cực hỗ trợ khi DN gặp vướng mắc, khó khăn, tư vấn, kết nối nhanh chóng, tiếp nhận 24/24 giờ. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đang thành lập Tổ tư vấn pháp lý, Tổ tư vấn tín dụng để phục vụ DN thiết thực” - bà Kim Chi thông tin thêm.

Các DN trong lĩnh vực bất động sản phản ánh khó khăn, bất cập trong triển khai dự án bất động sản, nhà ở thương mại, vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng…

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) An Giang Thái Minh Hiển cho biết, trước đây, nhằm tạo thuận lợi cho DN, tỉnh đã vận dụng chính sách thông thoáng để DN triển khai dự án. Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng, một số chính sách vận dụng chưa đúng quy định pháp luật.

“Tỉnh cũng rất chia sẻ với khó khăn của DN. Sở TN&MT, Sở KH&ĐT và Sở Xây dựng đã thảo luận, tìm giải pháp xử lý, tham mưu UBND tỉnh thực hiện các kết luận thanh tra, tạo điều kiện cho DN triển khai dự án, theo hướng hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng đủ điều kiện, tháo gỡ từng bước đối với dự án mới” - ông Thái Minh Hiển nhấn mạnh.

Tiếp tục đồng hành

Giám đốc Sở KH&ĐT An Giang Phạm Minh Tâm cho biết, lãnh đạo tỉnh xác định, cộng đồng DN, doanh nhân, nhà đầu tư có vai trò rất quan trọng, là hạt nhân trong phát triển kinh tế, là nhân tố đóng góp tích cực để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo sở, ban, ngành phải luôn nỗ lực đồng hành, chia sẻ cùng DN, nhà đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau.

“Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hoạt động thu hút đầu tư và phát triển DN thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn. Các vướng mắc về chính sách, thủ tục pháp lý đầu tư dự án chưa được tháo gỡ triệt để; rào cản về điều kiện kinh doanh vẫn còn, đang gây khó khăn không nhỏ cho DN, nhà đầu tư” - ông Phạm Minh Tâm chia sẻ.

Thấu hiểu khó khăn của DN, các sở, ngành phối hợp tham mưu UBND tỉnh tạo điều kiện tốt nhất trong phạm vi thẩm quyền cho phép, hỗ trợ DN duy trì, phục hồi SXKD, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Trong đó, hội nghị đối thoại DN là hoạt động hiệu quả để lãnh đạo tỉnh, sở, ngành lắng nghe, nắm rõ hơn về tình hình SXKD, đầu tư dự án của DN; khó khăn, vướng mắc cản trở sự phát triển của DN. Từ đó, tổng hợp, báo cáo tham mưu cấp thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ, giúp cộng đồng DN yên tâm SXKD và đầu tư dự án. Do vậy, trong năm 2024, tỉnh sẽ duy trì thường xuyên hoạt động đối thoại để đồng hành, chia sẻ cùng DN, nhà đầu tư.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh kiến nghị tăng cường giải pháp để DN tiếp cận Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, gói hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là tín dụng. Ngành chức năng tỉnh định kỳ kiểm tra quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ DN, khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả thực thi chính sách hỗ trợ DN An Giang.

NGÔ CHUẨN