An Giang đột phá phát triển ngành “công nghiệp không khói”

12/09/2022 - 06:49

 - Giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu “giữ chân du khách”, ngành du lịch (DL) An Giang phấn đấu đón 42 triệu lượt khách. Đến năm 2025, ước đạt 10 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú chiếm 30%. Tổng doanh thu từ DL đạt khoảng 7.000 tỷ đồng… Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng DL.

Ảnh: THANH HÙNG - TRUNG HIẾU

An Giang xác định các khâu đột phá trong DL là đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và DL; huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối khu, điểm DL trọng điểm, phục vụ nhu cầu của du khách và thu hút nhà đầu tư chiến lược (theo chương trình hành động về phát triển hạ tầng DL tỉnh); rà soát, lập quy hoạch khu, điểm của vùng Bảy Núi có khả năng phát triển thu hút du khách, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch khu, điểm DL trọng điểm; thu hút đầu tư dịch vụ DL nhà hàng, khách sạn; nâng cấp, bảo tồn công trình văn hóa tiêu biểu, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia; xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông hiện đại; đa dạng hóa sản phẩm DL, tập trung khai thác sản phẩm DL có tiềm năng phát triển…

Tỉnh tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển DL, nhằm thu hút nhà đầu tư phát triển dịch vụ nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh con người, cảnh quan thiên nhiên của An Giang; tuyên truyền, vận động nhà hàng, khách sạn, khu, điểm đến… đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để phục vụ du khách. Song song đó, ngành DL nâng cao chất lượng dịch vụ, như: Mở lớp đào tạo và đào tạo lại về nghiệp vụ kinh doanh cho lao động, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ của doanh nghiệp… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hoạt động DL.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, để trở thành một trong những trung tâm DL ở ĐBSCL, năm 2022, tỉnh tiếp tục phát triển hạ tầng phục vụ DL, như: Hạ tầng giao thông, thông tin; cơ sở hạ tầng DL và mời gọi đầu tư. Đồng thời, tăng cường xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển DL; đảm bảo an ninh trật tự tại khu, điểm DL; phát triển nguồn nhân lực ngành DL; xúc tiến thương mại, khoa học và công nghệ phục vụ phát triển DL An Giang.

Theo đó, tỉnh tiếp tục triển khai các dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng và liên kết huyện, thị xã, thành phố để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển DL. Đặc biệt là dự án giao thông trọng điểm do Trung ương đầu tư, gồm: Tuyến tránh TP. Long Xuyên; nâng cấp tải trọng 4 cầu yếu trên tuyến Quốc lộ 91 đoạn đi qua tỉnh An Giang; đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đồng thời, triển khai 7 dự án mới giai đoạn 2021-2025 (vốn ngân sách Trung ương), gồm:  Tuyến liên kết vùng Tân Châu - Châu Đốc - Kiên Giang - Đồng Tháp; Tỉnh lộ 948 giai đoạn 2; đường Long Điền A-B; tuyến tránh đoạn từ Km11 đến Km15 và cầu Mương Khai (Tỉnh lộ 951); Tỉnh lộ 958 (tuyến Tri Tôn - Vàm Rầy); Tỉnh lộ 941 (đoạn nối dài); Tỉnh lộ 947.

Cùng với đó, triển khai 25 dự án mới giai đoạn 2021-2025 (vốn ngân sách tỉnh): Nâng cấp Tỉnh lộ 949; xây dựng cầu Mướp Văn - Tỉnh lộ 943; xây dựng cầu Kênh Xáng - Tỉnh lộ 946; nâng cấp, mở rộng đường kênh T4; đường Đông Rạch Giá - Long Xuyên; cầu số 10 nối Tỉnh lộ 941 với nam Kênh 10 Châu Phú; cầu Hiệp Lợi - An Phú; nâng cấp, mở rộng tuyến đường vòng 3 xã cù lao Giêng; nâng cấp mở rộng đường bờ đông liên xã, huyện An Phú; đường vòng xã Bình Thủy; nâng cấp, mở rộng đường vào Khu di tích đặc biệt Óc Eo - Ba Thê thuộc Tỉnh lộ 943 (đoạn từ cầu Thoại Giang đến cầu Mướp Văn); cầu Đa Phước - Vĩnh Trường; dự án nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú qua khu vực Tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang (Tỉnh lộ 945).

Tiếp tục nạo vét thông luồng đường thủy (do UBND huyện làm chủ đầu tư), gồm: Dự án nạo vét thông luồng sông Cái Vừng (giai đoạn kéo dài), thuộc huyện Phú Tân và huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp); nạo vét luồng đảm bảo giao thông trên sông Hậu đoạn từ đuôi Cồn Cóc lên bến đò Chợ Mới, xã Phước Hưng. Dự kiến triển khai 2 dự án năm 2022 (do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư), gồm: Dự án nạo vét thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp thu hồi sản phẩm nhánh sông Tiền (rạch cù lao Giêng), thuộc huyện Chợ Mới; nạo vét duy tu, đảm bảo giao thông thủy, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Hậu (đoạn từ bến đò Chợ Mới đến bến đò qua Đồn Biên phòng Đồng Đức), thuộc địa phận huyện An Phú.

Để DL An Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh tiếp tục xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển DL, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trên nhiều kênh thông tin, nhất là trên kênh truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại, có sức hấp dẫn, thuyết phục du khách quốc tế. Chủ động liên kết, phối hợp với doanh nghiệp DL, Hiệp hội DL trong và ngoài tỉnh tổ chức đoàn xúc tiến quảng bá DL An Giang đến các thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh liên kết các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh... Chủ động quảng bá hình ảnh DL An Giang tại sự kiện lớn trong nước; giới thiệu, quảng bá sản phẩm DL mới của An Giang thông qua đón đoàn doanh nghiệp lữ hành, cơ quan báo chí.

Ngoài ra, tỉnh sẽ áp dụng công nghệ, giải pháp công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành DL để tăng cường tương tác, trải nghiệm, khám phá của du khách. Vận hành thử nghiệm hệ thống DL thông minh; đẩy mạnh ứng dụng thực tế ảo vào quảng bá di tích, danh lam thắng cảnh An Giang…

MINH THƯ