An Giang đưa sản phẩm nông, thủy sản vào hệ thống phân phối của các tập đoàn nước ngoài

06/05/2021 - 05:59

 - Thực hiện Đề án Chính phủ “Thúc đẩy doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia trực tiếp hệ thống phân phối nước ngoài”, sau 1 năm gián đoạn do dịch bệnh, từ sáng kiến của Sở Công thương An Giang, với sự hỗ trợ của Bộ Công thương, An Giang đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối DN tỉnh An Giang với các tập đoàn phân phối nước ngoài. Hội nghị đã tạo cơ hội tốt để các Tập đoàn phân phối nước ngoài có thêm thông tin, thế mạnh về DN của tỉnh. DN chế biến nông, thủy sản An Giang có thêm cơ hội tiếp cận và tham gia vào kênh xuất khẩu mới thông qua hệ thống phân phối của Aeon, Lotte, Amazon.

Đoàn công tác của Bộ Công thương cùng Tập đoàn Aeon khảo sát và làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời

Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu-Châu Mỹ (Bộ Công thương) nhấn mạnh: “An Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, đậu và có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Hội nghị góp phần kết nối các DN xuất khẩu trực tiếp với bộ phận mua hàng của các tập đoàn phân phối lớn, như: Aeon, Lotte, Amazon. Qua đó, giúp các DN An Giang nắm được các quy định, yêu cầu kỹ thuật của từng nhà phân phối để từ đó đặt ra chiến lược tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn”.

Tại hội nghị, Bộ Công thương đã giới thiệu với các DN An Giang Bộ cẩm nang hướng dẫn các DN xuất khẩu vào 5 hệ thống phân phối lớn, gồm: Aeon, Lotte, Central Group, Decathlon và Mega Market. Các DN An Giang tích cực tham gia trao đổi, thảo luận với một số tập đoàn phân phối lớn, như: Aeon, Lotte... về tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng của sản phẩm hàng nông sản khi tham gia vào các hệ thống của tập đoàn với mong muốn một số sản phẩm đặc sản của tỉnh, như: gạo, tôm, xoài, cá tra... được tiêu thụ bởi các tập đoàn.

Đại diện các Tập đoàn Aeon, Lotte, Amazon giới thiệu với DN An Giang chiến lược cũng như định hướng mua hàng của các tập đoàn tại Việt Nam trong thời gian tới, các yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng nông, thủy sản và thực phẩm chế biến để tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối toàn cầu của họ. Đại diện các tập đoàn khẳng định, sẽ đồng hành với các DN An Giang trong việc thu mua hàng nông sản chất lượng; xúc tiến đưa hàng hóa ra thế giới với chất lượng được đảm bảo bởi chính thương hiệu của của các tập đoàn.

Tại hội nghị này, Tập đoàn Amazon và các Tham tán thương mại Việt Nam tại các điểm cầu của Hoa Kỳ đã giới thiệu và tập huấn cho DN An Giang cách phát triển xuất khẩu trên nền tảng thương mại điện tử cũng như những thông tin DN cần biết khi muốn xuất khẩu vào các thị trường Hoa Kỳ. Hội nghị giúp DN An Giang kết nối DN với các tập đoàn phân phối (B2B), giúp cho các DN địa phương có cơ hội trực tiếp gặp gỡ chuyên gia mua hàng của các tập đoàn lớn để giới thiệu, chào bán sản phẩm của mình.

Các DN đánh giá cao hiệu quả từ B2B, đây là lần đầu tiên có phiên B2B thực sự đúng nội dung, mục tiêu và đối tượng các DN của tỉnh hướng tới. Kết quả của việc kết nối này cần thời gian để xác định, nhưng bước đầu các DN đánh giá cao khả năng hiệu quả và sự hỗ trợ nhiệt tình của Sở Công thương đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp xúc trực tiếp các tập đoàn nước ngoài. Theo đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời: “Các tập đoàn phân phối Aeon, Lotte tham dự hội nghị là những đại diện quản lý cấp cao, có thẩm quyền quyết định, mà DN khó có thể đăng ký làm việc, B2B hôm nay là cơ hội để các DN nắm bắt khi đã được Sở Công thương hỗ trợ”.

Sở Công thương cho biết, Tập đoàn Aeon lựa chọn kết nối làm việc trực tiếp 6 DN trong phiên B2B; Tập đoàn Lotte Mart kết nối 14 DN, Amazon kết nối 8 DN. Sau khi khảo sát thực tế, hầu hết các DN được Tập đoàn Aeon lựa chọn và đề cử giới thiệu, khảo sát đều đạt kết quả khả quan bước đầu, như: yêu cầu các Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Việt, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu (XNK) Thủy sản Cửu Long An Giang, Công ty Cổ phần XNK An Giang; Công ty Cổ phần Thực phẩm Hưng Phúc Thịnh, Công ty Cổ phần XNK Thủy sản An Mỹ gửi thông tin danh mục sản phẩm, bảng giá để trao đổi thêm. Đối với Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương tuy không phát triển sản phẩm gạo sang thị trường Nhật Bản, nhưng được tập đoàn giới thiệu phát triển sang thị trường Malaysia và Indonesia. Tập đoàn Aeon đã dùng thử và chọn được 2 loại gạo là Tiên nữ và Thiên Vương của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời

 Hợp tác xã cù lao Giêng, Hợp tác xã Vĩnh Bình, Công ty TNHH MTV Chế biến Thủy Hải sản Thanh Tùng, Công ty TNHH SXTM Gia Bảo, Cơ sở sản xuất - kinh doanh Bảo Trang, Công ty TNHH Thảo Hương... được Tập đoàn Lotte Mart đề nghị gửi thông tin, báo giá. Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú có được lịch hẹn với DN tại văn phòng của tập đoàn để trao đổi sâu hơn. Công ty Cổ phần XNK An Giang được tập đoàn đề nghị giới thiệu 1 loại sản phẩm làm sản phẩm độc quyền. Đối với các DN thủy sản, đại diện tập đoàn dự kiến có lịch khảo sát thực tế nhà máy. Ngoài ra, Tập đoàn Lotte Mart còn đề nghị giới thiệu thêm các DN sản phẩm nông sản (rau, củ, trái cây tươi) vì đang có nhu cầu về ngành hàng này. Riêng Amazon, sau buổi làm việc sẽ có đánh giá tổng thể các sản phẩm, gửi Bộ Công thương thông tin kết quả chính thức.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh: “Việc tăng cường xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối lớn cũng như xuất khẩu trên các hệ thống phân phối dựa trên nền tảng thương mại điện tử là giải pháp hữu hiệu giúp DN của tỉnh tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. UBND tỉnh sẽ đồng hành cùng các nhà phân phối lớn hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và đưa hàng hóa thương hiệu Việt Nam có mặt ngày càng nhiều trên kệ các siêu thị của các tập đoàn phân phối lớn trên thế giới”.

HẠNH CHÂU