An Giang hiện thực hóa các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm

20/09/2021 - 05:35

 - Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra mục tiêu: “… khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giữ vững quốc phòng - an ninh. Phấn đấu đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước”. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, cần có giải pháp căn cơ nhằm đưa kinh tế - xã hội (KTXH) tỉnh nhà phát triển bền vững.

Đầu tư kết cấu hạ tầng. Ảnh: THANH HÙNG

Cụ thể hóa nghị quyết

Nghị quyết đề ra 3 khâu đột phá cần tập trung, gồm: đầu tư kết cấu hạ tầng (đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch); nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo đó, giai đoạn 2020-2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt từ 6,5-7%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 70,4-72,2 triệu đồng/người/năm (tương đương từ 2.563-2.626USD); tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm đạt từ 164.600 - 176.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 5.285 triệu USD; thu ngân sách từ kinh tế địa bàn 5 năm đạt 41.303 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 43%.

Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng, để đạt được mục tiêu về kinh tế đã đề ra, cần giữ vững quan điểm lớn trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Theo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chương trình hành động 07-CTr/TU (của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng) đã cụ thể hóa nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế của tỉnh trong 5 năm tới. Theo đó, tỉnh tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cụ thể là đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

An Giang cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa kinh tế-xã hội tỉnh ngày càng phát triển. Ảnh: THU THẢO

Tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình hành động 12-CTr/TU, ngày 10-2-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết 27/NQ-CP, ngày 21-2-2017 của Chính phủ và Nghị quyết 05-NQ/TW, ngày 1-11-2016 tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Triển khai Chương trình phát triển kinh tế hợp tác gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận 81-KL/TW, ngày 29-7-2020 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Xây dựng Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2021-2025… Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, triển khai đồng bộ chính sách phát triển công nghiệp của tỉnh theo Kế hoạch 62-KH/TU, ngày 31-7-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng xây dựng chính sách công nghiệp tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tận dụng tối đa lợi thế của địa phương về vùng nguyên liệu các sản phẩm nông nghiệp, về dân số, lao động, thương mại, dịch vụ, du lịch, kinh tế biên giới để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông - thủy sản.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ảnh: TRUNG HIẾU

Bên cạnh đó, ứng dụng có chọn lọc thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phù hợp với điều kiện địa phương để có cách tiếp cận, đi tắt, đón đầu hợp lý trong hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp được xác định ưu tiên của địa phương. Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27-6-2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình hành động 18-CTr/TU, ngày 28-2-2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế…

Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tỉnh chuyển hướng các biện pháp từ cứu trợ sang kích thích, khuyến khích sản xuất - kinh doanh để phục hồi nhanh hoạt động kinh tế bị tổn hại do đại dịch. Đẩy mạnh tuyên truyền nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trên lĩnh vực KTXH; chương trình hành động của các cấp, ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; sự chủ động, đổi mới, quyết liệt hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết, linh hoạt, vừa thực hiện hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KTXH của tỉnh..

THU THẢO