An Giang hỗ trợ triển khai các dự án lớn

29/01/2021 - 05:01

 - Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn tin tưởng đầu tư vào An Giang, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đáp lại niềm tin đó, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương tiếp tục thể hiện cam kết đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho DN, đặc biệt là hỗ trợ triển khai các dự án trọng điểm.

Niềm tin của doanh nghiệp

Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất - kinh doanh (SXKD) của DN, không ít DN phải hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa, tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, trên địa bàn An Giang, số DN đăng ký thành lập lại tăng, trong khi số DN hoàn tất thủ tục giải thể giảm. Thống kê từ đầu năm đến cuối tháng 11-2020, toàn tỉnh có 768 DN thành lập mới và 495 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động, tổng số vốn đăng ký 6.040 tỷ đồng. So cùng kỳ, số DN đăng ký tăng 16,89% (tăng 111 DN), số đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động tăng 7,37% (tăng 34 đơn vị), riêng số vốn đăng ký tăng đến 34,76% (tăng 1.558 tỷ đồng).

Trong khi đó, số DN hoàn tất thủ tục giải thể chỉ 102 DN, giảm 12,06% (giảm 14 DN); số đơn vị trực thuộc chấm dứt hoạt động 263 đơn vị, tăng 15,75% (tăng 83 đơn vị). Dịch bệnh cùng một số nguyên nhân đã khiến 232 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 13,72% (tăng 28 DN) so cùng kỳ năm 2019. Lũy kế đến nay, số DN đăng ký là 10.853 DN, tổng vốn đăng ký 66.470 tỷ đồng; 5.579 đơn vị trực thuộc. Trong đó, còn 5.568 DN và 3.268 đơn vị trực thuộc đang hoạt động, tổng vốn đăng ký 54.555 tỷ đồng.

Về thu hút đầu tư, An Giang đã thu hút được 47 dự án đăng ký đầu tư mới (1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 46 dự án đầu tư trong nước), tổng vốn đăng ký mới khoảng 9.826 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2019, số dự án bằng 68,1% (giảm 22 dự án), vốn đăng ký bằng 56,34% (giảm 7.612 tỷ đồng). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 38 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 272,4 triệu USD, trong đó tổng vốn đầu tư thực hiện hơn 158,8 triệu USD (chiếm 56,31% tổng vốn đầu tư đăng ký).

Theo UBND tỉnh, năm qua, tỉnh đã triển khai kịp thời chỉ đạo của Chính phủ (Chỉ thị số 11/CT-TTg) về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SXKD, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Ngành thuế đã thực hiện gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP cho 2.817 tổ chức, DN và hộ gia đình, cá nhân kinh doanh với tổng số tiền 116,5 tỷ đồng. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng đã thực hiện miễn, giảm lãi vay 7,3 tỷ đồng cho 3.801 khách hàng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 6.992 khách hàng với số tiền 1.238 tỷ đồng; cho vay mới 25.314 tỷ đồng đối với 45.655 khách hàng.

Hỗ trợ nhà đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, An Giang đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh, tiềm năng rất lớn, như: nông nghiệp, du lịch… Bước đầu, đã có những nhà đầu tư có năng lực kinh nghiệm, có tiềm lực về tài chính và công nghệ triển khai những dự án lớn, có sức lan tỏa sâu rộng, được tỉnh quan tâm hỗ trợ.

Doanh nghiệp triển khai nuôi heo giống

Hiện nay, các sở, ngành và UBND huyện Tri Tôn đang tập trung hỗ trợ Tập đoàn TH True Milk triển khai đầu tư dự án trang trại chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh An Giang. Dự án đầu tư tại xã Vĩnh Gia (Tri Tôn) với quy mô 178,4ha, tổng vốn đăng ký 2.655 tỷ đồng. Cũng tại Tri Tôn, dự án Nhà máy Chế biến gạo xuất khẩu Hạnh Phúc (xã Lương An Trà) do Tập đoàn Tân Long đầu tư đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị khai thác. Dự án với quy mô 16ha, tổng vốn đăng ký 1.100 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ tạo đột phá mới cho “vựa lúa” vùng Tứ giác Long Xuyên.

Trên địa bàn xã Bình Phú (Châu Phú), Công ty TNHH nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú (thuộc Công ty Cổ phần Nam Việt) đang tập trung triển khai Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú và Khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao với quy mô 600ha, vốn đăng ký 4.000 tỷ đồng. Còn tại cồn Vĩnh Hòa (TX. Tân  Châu), Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao của Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc với quy mô 160ha, vốn đầu tư đăng ký 200 tỷ đồng, cũng đang vận hành tốt.

Trên địa bàn 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, các trang trại nuôi heo công nghệ cao của Công ty TNHH Giống - Chăn nuôi Việt Thắng (thuộc Tập đoàn THACO Trường Hải) được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất. “Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn và người nông dân sẽ được hưởng lợi” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đánh giá.

Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, các dự án thuộc lĩnh vực du lịch, phát triển hạ tầng đô thị đã và đang được triển khai trên địa bàn An Giang, như: Khu du lịch rừng tràm Trà Sư, Khu Golden City, Marina Plaza… Mới đây, Tập đoàn T&T đã khởi công dự án khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ tại phường Mỹ Bình (TP. Long Xuyên), tiếp theo là dự án Khu đô thị mới Vàm Cống, Khu đô thị mới Bình Khánh - Mỹ Khánh (cũng do T&T đầu tư)… tạo nên sự hiện đại, năng động cho đô thị loại I TP. Long Xuyên.

Những dự án lớn sẽ mang đến cơ hội nâng cao giá trị cho các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đây là kết quả rất ấn tượng trong việc thu hút đầu tư của tỉnh.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN