P.V: Xin ông đánh giá khái quát kết quả công tác tuyển quân năm 2021?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Năm 2021, tỉnh An Giang được giao chỉ tiêu tuyển chọn 1.300 thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự và 265 thanh niên tham gia nghĩa vụ công an nhân dân. Các đơn vị nhận quân, gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Lữ đoàn 950, Lữ đoàn 6, Lữ đoàn 962, Lữ đoàn 416, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, Ban CHQS cấp huyện đã chủ động tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; Hội đồng Nghĩa vụ quân sự cùng cấp tiến hành củng cố, kiện toàn hội đồng khám sức khỏe đủ số lượng, có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm; tổ chức chặt chẽ công tác sơ tuyển sức khỏe tại xã, phường, thị trấn; tập trung khám tuyển tại cấp huyện với đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác khám tuyển.
Tỉnh giao cho địa phương chịu trách nhiệm về chất lượng công dân sẵn sàng nhập ngũ, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong công tác bình nghị công khai, dân chủ, thể hiện quyền bình đẳng của mọi tầng lớp nhân dân khi thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự.
P.V: Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm nay được tổ chức như thế nào, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Năm 2022, tỉnh được giao chỉ tiêu tuyển chọn 1.744 công dân (trong đó 4 nữ). Dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, tác động tiêu cực đến các mặt đời sống xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến việc triển khai, thực hiện quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ của địa phương.
Điển hình, số lượng công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ đang lao động, học tập, công tác tại các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 phải phong tỏa, cách ly rất lớn, không thể chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi khám sức khỏe. Nhiều lao động mất việc làm, nguồn thu nhập giảm, gia đình rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng nguồn sẵn sàng nhập ngũ của địa phương. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ không giảm; chỉ tiêu thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân tăng 67,5% so với năm 2021. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để đối phó, chống, trốn thi hành nghĩa vụ quân sự.
Trước tình hình đó, Bộ CHQS tỉnh với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh, đã chủ động tham mưu ban hành văn bản lãnh, chỉ đạo Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự cấp huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú thông qua phương tiện truyền thông; thường xuyên, liên tục, nội dung thiết thực, có chiều rộng lẫn chiều sâu, phù hợp với truyền thống, phong tục, tập quán của từng địa phương.
P.V: Điểm mới trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm nay là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Hội đồng Nghĩa vụ quân sự địa phương đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác khảo sát nguồn, nắm chắc số lượng công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, đăng ký nghĩa vụ quân sự; sơ tuyển sức khỏe tại xã, phường, thị trấn bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, trên cơ sở dữ liệu quản lý nhân khẩu của địa phương. Kiện toàn hội đồng khám sức khỏe đúng, đủ thành phần, có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, gắn trách nhiệm từng thành viên Hội đồng Nghĩa vụ quân sự với chất lượng tuyển quân, bảo đảm đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác khám sức khỏe. Quá trình khám sức khỏe tuyệt đối chấp hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19; điều tra, sàng lọc, nắm chắc từng đối tượng ở vùng bị ảnh hưởng của dịch bệnh để bố trí khu vực khám riêng, lập kế hoạch phân bổ thời gian khám phù hợp, thực hiện giãn cách, có phương án sẵn sàng đối phó khi nghi ngờ nhiễm bệnh...
Điểm nổi bật so với các năm trước là địa phương tập trung đổi mới nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo hình thức, biện pháp giáo dục, tuyên truyền, phổ biến thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự thiết thực, hiệu quả, sát đối tượng. Tổ chức đăng ký, quản lý chặt thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ; sơ tuyển, khám sức khỏe, xét duyệt chính trị, chính sách và thực hiện tốt công tác bình nghị, bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế. Các địa phương thực hiện tốt công tác chuẩn bị, như: TX. Tân Châu, TP. Long Xuyên, huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới, Châu Phú…
P.V: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị giao, nhận quân được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Qua tuyển chọn, đã có 2.967 công dân đủ điều kiện gọi nhập ngũ, trong đó sức khỏe loại 1 chiếm 4,5%, loại 2 chiếm 32,2%, loại 3 chiếm 63,2%. Trình độ cao đẳng, đại học chiếm 9,5%, học vấn cấp 3 chiếm 44%; chuyên môn kỹ thuật chiếm 9,9%.
Trong quá trình thực hiện, các địa phương luôn chủ động nắm chắc, kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đồng thời, thường xuyên quan tâm thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, nhất là đối với thanh niên chuẩn bị lên đường nhập ngũ, quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ về địa phương; gắn công tác tuyển quân với tạo nguồn cán bộ cơ sở cho địa phương. Thanh niên trúng tuyển thi hành nghĩa vụ quân sự, ngoài ngân sách của tỉnh hỗ trợ sổ tiết kiệm trị giá 800.000 đồng, các địa phương còn tặng phần quà và tiền mặt trị giá bình quân từ 1-1,5 triệu đồng.
Thay mặt Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh, tôi kêu gọi các tân binh hãy phát huy hơn nữa truyền thống cha anh, ra sức học tập, rèn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với quê hương An Giang anh hùng. Với kinh nghiệm và truyền thống trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ những năm qua, tin tưởng rằng năm 2022, các địa phương trong tỉnh tiếp tục giành thắng lợi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.
GIA KHÁNH (Thực hiện)