An Giang huy động các nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

30/10/2020 - 06:38

 - Bằng cách khuyến khích, huy động nguồn lực đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, nhiều lĩnh vực trên địa bàn An Giang đã được xã hội hóa đầu tư, phát huy hiệu quả, công tác an sinh xã hội được chăm lo tốt, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Giai đoạn 2017-2020, hơn 1.643,6 tỷ đồng đã được các tập thể, cá nhân đóng góp trên lĩnh vực an sinh xã hội và lĩnh vực xã hội hóa của tỉnh.

Xã hội hóa các lĩnh vực

Nhờ được thiên nhiên ưu đãi điều kiện về nguồn nước, đất đai, khí hậu, tạo thuận lợi cho An Giang trở thành một trong những trung tâm sản xuất lúa gạo và nuôi trồng, chế biến thủy sản lớn nhất cả nước; tiềm năng phát triển du lịch lớn. Tuy nhiên, do nằm ở biên giới Tây Nam - vùng phên dậu Tổ quốc, xa các trung tâm kinh tế lớn, trong khi hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đúng mức, thiết chế kinh tế, văn hóa, xã hội còn yếu kém nên đời sống của một bộ phận người dân An Giang còn khó khăn. 

Cùng với chính sách chăm lo của nhà nước, tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh công tác xã hội hóa và an sinh xã hội. Qua đó, đã tổ chức, vận động được sự tham gia khá tích cực của các nguồn lực ngoài xã hội cùng với nhà nước phát triển nhiều lĩnh vực. Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng cho biết, thông qua việc phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, ngành giáo dục và đào tạo đã huy động được nhiều nguồn kinh phí để xây dựng trường học, mua sắm trang thiết bị dạy và học, nhà công vụ cho giáo viên, cấp phát học bổng, tặng quà, quỹ hỗ trợ… với tổng kinh phí gần 71,2 tỷ đồng. Qua công tác tuyên truyền, nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí của giáo dục và xã hội hóa giáo dục được nâng lên, huy động ngày càng nhiều nguồn lực để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Trên lĩnh vực y tế, bên cạnh mạng lưới y tế công lập, An Giang là một trong số các tỉnh trong cả nước phát triển bệnh viện ngoài công lập khá tốt. Giai đoạn 2017-2020, có Bệnh viện Mắt Long Xuyên và Phòng Khám đa khoa Huỳnh Trung Dũng là 2 cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư cao (tổng kinh phí đầu tư trên 235 tỷ đồng), cơ sở vật chất hiện đại, có nhiều dịch vụ thu hút bệnh nhân.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 1.114 phòng khám bệnh và cơ sở dịch vụ y tế tư nhân hoạt động, cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng, giảm bớt gánh nặng cho khu vực y tế công lập, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nhiều tổ chức, cá nhân đã đóng góp kinh phí mua bảo hiểm y tế cho người nghèo. Các mô hình xã hội hóa y tế được duy trì và tiếp tục phát triển.
Giai đoạn 2017-2020, nhiều mô hình xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao đã được thực hiện và nhân rộng, huy động được nguồn lực xã hội từ việc đầu tư xây dựng cơ sở, khu vui chơi giải trí, sân bãi đến việc hình thành các câu lạc bộ, tụ điểm tập luyện, tài trợ các giải thể thao, sự kiện văn hóa… góp phần giảm áp lực trong việc sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách.  

Trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, PGS.TS Huỳnh Thanh Tín (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL) đã cùng với nông dân An Giang chọn tạo ra nhiều giống lúa thuần và 5 giống lúa triển vọng (nếp-AG, ND1, ND2, TC7, HNOE1), trong đó có 2 giống lúa được công nhận sản xuất thử giống cây trồng nông nghiệp mới cho vùng trồng lúa ĐBSCL là ND1 (AG1) và TC7; riêng giống nếp-AG đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức giống cây trồng nông nghiệp mới…

Chăm lo an sinh xã hội

Với đặc thù sông ngòi chằng chịt, An Giang cần hệ thống cầu, đường đồng bộ để thúc đẩy kinh tế phát triển, nhất là khu vực nông thôn. Trong bối cảnh nhà nước còn thiếu vốn, tỉnh đã huy động nguồn lực xã hội cho lĩnh vực này. Giai đoạn 2017-2020, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các hội, đoàn thể trong tỉnh đã vận động xây dựng được 263 cây cầu giao thông nông thôn, với số tiền trên 95 tỷ đồng cùng hàng chục ngàn ngày công lao động của nhân dân tại các địa phương.

Để các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách có được chỗ ở vững chãi, yên tâm lao động, sản xuất, giai đoạn 2017-2020, tỉnh và các địa phương đã vận động trên 270 tỷ đồng để cất mới 8.112 căn nhà, sửa chữa 1.469 căn nhà Đại đoàn kết, Tình nghĩa, Tình bạn, Mái ấm tình thương, Mái ấm ATV… Trong đó, riêng Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết An Giang đã tài trợ kinh phí để cất mới 1.275 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá gần 45 tỷ đồng.

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng cho biết, đến nay, quỹ Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và hạn hán cấp tỉnh đã tiếp nhận tiền và hiện vật quy tiền trên 22 tỷ đồng, cấp huyện tiếp nhận gần 20 tỷ đồng. Tính từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã vận động được 701,5 tỷ đồng đóng góp quỹ Vì người nghèo.

Qua đó, đã chi hỗ trợ để cất mới và sửa chữa nhà Đại đoàn kết; thăm hỏi, tặng quà cho 908.218 lượt hộ nghèo; trợ giúp khó khăn đột xuất cho 231.027 trường hợp; trợ giúp học hành, hỗ trợ khám, chữa bệnh, trợ giúp sản xuất cho 203.670 trường hợp. Trong đó, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp đã vận động và tiếp nhận 491.841 phần quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn trong tỉnh với tiền mặt và hiện vật quy tiền trên 158 tỷ đồng.

Mỗi năm, An Giang đón hàng chục đoàn y, bác sỹ từ các nơi khác, nhất là TP. Hồ Chí Minh đến khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Ngành y tế tỉnh đã phối hợp các tổ chức hội, đoàn thể, tổ chức nhân đạo thực hiện nhiều chương trình từ thiện nhân đạo mang tính xã hội hóa, góp phần giúp đỡ thiết thực cho bệnh nhân nghèo. Nhiều người tình nguyện tìm kiếm dược liệu, thuốc nam cung cấp cho các phòng khám nhân đạo, cơ sở khám, chữa bệnh từ thiện.

Tại nhà thuốc nam Tư Ngoan (xã Bình Thủy, Châu Phú), mỗi ngày hốt thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người; Phòng khám nhân đạo TX. Tân Châu, huyện Tri Tôn, Tổ từ thiện thị trấn An Phú tổ chức khám, chữa bệnh từ thiện cho hàng chục ngàn người dân; đại đức Thích Thiện Thành (chùa Duyên Phước, thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn), hòa thượng Thích Giác Vạn (trụ trì Lan Nhã Kỳ Viên, xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) hốt thuốc, chữa bệnh miễn phí giúp dân…

Lan tỏa cộng đồng

Đến nay, An Giang vẫn duy trì và phát triển các mô hình xã hội hóa mang tính từ thiện tại các bệnh viện, hệ thống bếp ăn chữ thập đỏ bệnh viện phủ khắp 11 huyện, thị xã, thành phố. Giai đoạn 2017-2020, các bếp ăn bệnh viện đã cấp nước sôi, cơm, cháo miễn phí, hỗ trợ tiền thuốc, xe chuyển bệnh miễn phí cho hàng triệu lượt bệnh nhân nghèo nằm viện với giá trị trên 71 tỷ đồng.

An Giang là địa phương duy nhất trong cả nước có hệ thống xe chuyển bệnh miễn phí chữ thập đỏ phủ khắp các xã, thị trấn toàn tỉnh. Tính đến nay, các địa phương trong tỉnh đã vận động mua được 188 xe chuyên dụng, giúp chuyển viện miễn phí cho 110.635 lượt bệnh nhân. Chỉ tính riêng tiền xăng dầu, ngày công miễn phí trị giá gần 27,7 tỷ đồng. Điển hình như các ông: Ngô Văn Đậu (Phú Tân), Phan Văn Như (Châu Thành), Bùi Minh Luân (Chợ Mới), Bành Hẫu (Châu Đốc)… đóng góp hàng chục tỷ đồng để mua xe chuyển bệnh miễn phí; ông Huỳnh Thanh Bình (xã Vọng Đông, Thoại Sơn) hỗ trợ đưa bệnh nhân đi cấp cứu được hơn 4.000 ngày công.

Cùng với doanh nghiệp, tổ chức, người dân, các tổ chức tôn giáo, cơ sở thờ tự trong tỉnh cũng tích cực vận động tín đồ tham gia công tác an sinh xã hội, hoạt động từ thiện. Điển hình như: Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh An Giang đóng góp cho các hoạt động trên 320 tỷ đồng; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang đóng góp trên 108 tỷ đồng; Tòa Giám mục Giáo phận Long Xuyên đóng góp trên 27 tỷ đồng; Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Hòa Bình (Chợ Mới) đóng góp trên 6,7 tỷ đồng; Ban đại diện Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa đóng góp trên 3,5 tỷ đồng; Ban Quản tự An Hòa Tự đóng góp 3,4 tỷ đồng…

Trong khi đó, hòa thượng Thích Huệ Tài (chùa Phước Thành), hòa thượng Thích Tôn Trấn (chùa Huỳnh Đạo), thượng tọa Thích Thiện Thành (chùa Kim Tiên), sư cô Thích Nữ Liên Ngọc (tịnh thất Quy Nguyên)… đã tích cực vận động phật tử đóng góp nhân lực, vật lực rất lớn cho công tác xã hội - từ thiện. 
Ở các địa phương, người dân đã tự nguyện hiến trên 27ha đất để làm đường giao thông nông thôn, nghĩa trang nhân dân và một số công trình công cộng khác. Tiêu biểu như: ông Trần

Ngọc Chiến (TP. Long Xuyên) hiến một phần đất ruộng để xây dựng điểm phụ Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cưng với giá trị 6,2 tỷ đồng; ông Trần Trọng Trí (Tri Tôn) hiến 7.128m2 đất xây dựng nghĩa trang nhân dân; ông Phan Thanh Châu (Châu Phú) hiến 7.000m2 đất; ông Huỳnh Văn Dũng (Chợ Mới) hiến 4.000m2 đất…Giai đoạn 2017-2020, có 157 tập thể và 174 cá nhân được đề nghị vinh danh trên lĩnh vực an sinh xã hội và lĩnh vực xã hội hóa với tổng kinh phí đóng góp hơn 1.643,64 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực an sinh xã hội có 155 tập thể và 170 cá nhân, trị giá đóng góp hơn 1.325,68 tỷ đồng; lĩnh vực xã hội hóa có 2 tập thể và 4 cá nhân được đề nghị vinh danh, trị giá đóng gần 318 tỷ đồng.

NGÔ CHUẨN