An Giang không để “dịch chồng dịch”

02/08/2022 - 07:25

 - Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng, trong khi dịch bệnh COVID-19 dù được kiểm soát nhưng diễn biến phức tạp và bệnh đậu mùa khỉ đang xuất hiện nhiều nước trên thế giới. Tăng cường phòng, chống dịch bệnh, không để “dịch chồng dịch”, đồng thời đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 là giải pháp cấp bách hiện nay.

Kiểm soát COVID-19 và sốt xuất huyết

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn trong tầm kiểm soát nhưng còn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, xuất hiện biến chủng mới, vaccine giảm khả năng miễn dịch theo thời gian. Đến nay, tiêm vaccine và đeo khẩu trang là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch COVID-19. Ngày 31/7, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm vaccine phòng COVID-19: Mũi 1 (đạt 100,3%), mũi 2 (99,5%), mũi 3 (63%), mũi 4 (184.095 liều). Tỷ lệ trẻ từ 12 - 17 tuổi tiêm vaccine mũi 1 (104,8%), mũi 2 (100,1%), mũi 3 (30,8%). Tỷ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 (86%), mũi 2 (65,2%). Căn cứ tình hình địa phương, An Giang đa dạng hóa các hình thức truyền thông phù hợp để triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn.

Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết, đến ngày 31/7 An Giang ghi nhận 8.509 ca bệnh, trong đó các địa phương nhiều nhất là các huyện: Châu Phú (1.566 ca), Chợ Mới (1.528 ca), Phú Tân (829 ca), Thoại Sơn (849 ca), An Phú (828 ca)… Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp (truyền thông, ra quân diệt lăng quăng…). UBND tỉnh có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Sở Y tế tăng cường hướng dẫn chuyên môn cho các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo 100% xã, phường, thị trấn tổ chức đồng loạt lễ ra quân phát động chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh (đợt 2)… để nâng cao ý thức toàn xã hội tập trung phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là.

Phòng bệnh đậu mùa khỉ

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là "bệnh đậu mùa khỉ". Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo và sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.

Từ ngày 1/1/2022 đến 1/8/2022, WHO đã ghi nhận hơn 22.485 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 79 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Ngày 23/7/2022, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố, đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do tốc độ lây truyền nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa; nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực Châu Âu có mức nguy cơ cao.

Ngày 24/7/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì cuộc họp trực tuyến với sự tham dự của các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở Y tế một số thành phố lớn, đại diện WHO, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ… để đánh giá tình hình dịch bệnh và thống nhất các giải pháp trong thời gian tới.

Đến ngày 1/8/2022, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên, nguy cơ bệnh có thể xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể, do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia; cùng với sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Từ tháng 5/2022 (thời điểm ghi nhận sự gia tăng nhanh những ca bệnh tại Châu Âu), Bộ Y tế đã chủ động chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp sẵn sàng dự phòng đáp ứng với dịch bệnh, đồng thời liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh từ nhiều nguồn thông tin.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị, tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh đậu mùa khỉ tại tất cả cửa khẩu (nhất là du khách đến từ các quốc gia đang có dịch) và các tỉnh, thành phố thông qua giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở y tế. Đồng thời, tăng cường giám sát trong cộng đồng những trường hợp phát ban, nốt phỏng. Theo WHO, hầu hết các ca mắc là nam giới (chiếm 98%), trong đó đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới tương đối cao.

Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ khó lây, chỉ lây do tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, qua giọt bắn lớn và không lây qua không khí. Triệu chứng bệnh có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa. Các triệu chứng thường thấy: Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban (có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể, như: Bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục…). 

Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ và các cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ y tế quốc tế chia sẻ thông tin tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống để kịp thời cập nhật các hướng dẫn chuyên môn và biện pháp xử lý phù hợp tình hình dịch bệnh.

“Việt Nam chưa có ca bệnh đậu mùa khỉ, song phải xây dựng kịch bản phản ứng với dịch cho các tình huống có ca bệnh, ca nhập cảnh, ca bệnh trong cộng đồng… Khi có kịch bản, xử lý nhanh và sẵn sàng ứng phó”- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nói.

 

HỮU HUYNH