Tập trung tháo gỡ khó khăn
An Giang luôn thực hiện nhất quán chủ trương “Chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ” cùng cộng đồng DN, với phương châm “Lấy DN làm trung tâm, hướng đến DN”. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN phát triển và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ quy định của pháp luật, để các DN phát triển sản xuất - kinh doanh. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ách tắc, cản trở để hỗ trợ người dân, DN phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, An Giang luôn xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đội ngũ DN, doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. 9 tháng của năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh nền kinh tế khu vực và cả nước.Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 6,54%, tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước (6,41%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,10%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,42%; khu vực dịch vụ tăng 7,58%. Đối với ngành dịch vụ - du lịch, tỉnh đón khoảng 8,5 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 9.700 tỷ đồng. Nhiều lễ hội, sự kiện, hoạt động văn hóa, hội chợ thương mại được tổ chức thành công, góp phần kích cầu tiêu dùng và du lịch, thúc đẩy thương mại - dịch vụ lưu trú, ẩm thực, vui chơi giải trí… tăng trưởng.
Lãnh đạo tỉnh lắng nghe, đồng hành với doanh nghiệp
Để đạt kết quả đó, Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn những đóng góp của cộng đồng DN, doanh nhân, thời gian qua, dù gặp không ít khó khăn vẫn nỗ lực vượt qua. Đội ngũ doanh nhân luôn dành niềm tin, đồng hành và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời cho rằng, sự đồng hành giữa chính quyền và DN hiện nay phải giống như “2 chân trên cùng 1 cơ thể”, thiếu 1 chân không thể tạo ra bước đi vững chắc, đi nhanh và xa. Do đó, UBND tỉnh cam kết sẽ dành nhiều hỗ trợ tốt nhất có thể, để giúp DN - doanh nhân của tỉnh phát huy hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Đồng hành, trách nhiệm với doanh nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh gợi mở: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đặt ra những mục tiêu quan trọng, đó là phấn đấu đến năm 2025, kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước. Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu là xây dựng An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN. Điều này cho thấy, An Giang vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng còn rất nhiều việc phải làm và để thành hiện thực cần sự đồng hành của chính quyền và doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng tặng bằng khen các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động doanh nghiệp
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền phải đồng hành và trách nhiệm với DN. Cán bộ các cấp, các cơ quan, đơn vị phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, theo đúng quy định pháp luật, không gây phiền hà, sách nhiễu, khó khăn. Đặc biệt, luôn lắng nghe, chia sẻ với DN, chính quyền phải gợi mở định hướng cho DN; chính quyền phải kiến tạo, phục vụ. Đối với các DN, UBND tỉnh tin tưởng sẽ ngày càng lớn mạnh, phát huy tính năng động, sáng tạo; trách nhiệm trong chấp hành pháp luật và kỷ cương; tiên phong, chủ động và vươn tầm cao hơn, đưa hoạt động của DN phát triển vững mạnh. Tỉnh cam kết sẽ kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng; khơi tăng nguồn lực, thu hút đầu tư; góp phần nâng cao vị thế của tỉnh, tạo lợi thế cạnh tranh, đưa An Giang phát triển nhanh và bền vững.
HẠNH CHÂU