Vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang) đang trong những ngày nắng oi bức nhất của mùa khô. Nếu có dịp đến khu vực Núi Tô (huyện Tri Tôn), du khách sẽ bắt gặp những hàng cây trâm xanh mát vươn lên giữa những thửa ruộng khô cằn.
AA
Người dân An Giang hái trâm bán kiêm thêm thu nhập.
Giữa mùa khô hạn của Miền Tây Nam Bộ, cây trâm vẫn cho những chùm trái chín tím mọng làm ngẩn ngơ lòng người.
Không biết từ bao giờ, thứ trái màu tím ấy đã trở thành món quà quê mộc mạc, vươn khỏi vùng quê sơn cước, để hòa mình cùng với nhịp sống phố thị xa xôi... trở thành “cây kinh tế” của người dân Khmer vùng Bảy Núi An Giang.
Món quà của thiên nhiên
Đang “treo” mình trên ngọn cây trâm cao hơn 20m ven tỉnh lộ 15 để hái từng chùm trâm chín mọng cho vào sọt tre, anh Chau Rich (ngụ ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) nói vọng xuống, đa số cây trâm đều mọc trên bờ ruộng. Đây là loại cây thân gỗ, cao, khỏe, cành lá sum suê.
Người dân An Giang hái trâm bán kiêm thêm thu nhập.
Cây trâm sinh trưởng và phát triển tự nhiên khoảng 7 năm tuổi bắt đầu cho trái, tuổi thọ kéo dài cả trăm năm. Hàng năm, cây trâm ra hoa khoảng giữa tháng 3 và cho thu hoạch trái dài đến tận tháng 6 (âm lịch). Trâm ra hoa rồi kết trái thành từng chùm. Trái trâm lúc còn non có màu xanh, khi già chuyển sang đỏ, lúc chín có màu tím đen, to gần bằng đầu ngón tay. Trái trâm chín đen bóng, no tròn, mọng nước, ăn có vị chua chua, ngọt ngọt, chát chát rất đặc trưng.
Là trái cây đặc trưng chỉ có ở vùng Bảy Núi An Giang, tùy vào sở thích mà mỗi người sẽ có cách ăn khác nhau. Có người thì ăn để thưởng thức hương vị chua, chát, ngọt của trái trâm, nhưng có người thích chấm với muối ớt để kích thích vị giác tăng thêm hương vị. Dù là cách ăn như thế nào, hương vị độc đáo của trái trâm cũng hấp dẫn, cuốn hút người ăn một cách lạ kỳ, khiến ai ăn rồi chỉ muốn ăn nữa không thôi.
Trái trâm lúc còn non có màu xanh, khi già chuyển sang đỏ, lúc chín có màu tím đen, to gần bằng đầu ngón tay.
Theo anh Chau Rich, cây trâm sinh trưởng phụ thuộc vào tự nhiên nên được xem là món quà của thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng Bảy Núi An Giang. Hằng năm, cứ đến mùa trâm, người dân Khmer tập trung hái trái từ sáng đến chiều. Tuy không tốn công chăm sóc nhưng khâu hái trái cũng khá vất vả. Người hái phải trèo lên cao chót vót hái từng trái, từng chùm, người giỏi cũng chỉ hái khoảng 20 - 30 kg/ngày.
"Trâm dập, héo sẽ không ngon, bán giá thấp, nên đa số người dân đều dùng thang tre dài khoảng 6 m và nối thêm một cây tre dài để nguyên mắt dùng leo và hái trâm. Gần cuối vụ, trái chín hết, hai đến ba người khỏe mạnh leo lên cây rung mạnh, trâm rơi lộp độp xuống tấm vải mùng hoặc lưới cước giăng sẵn bên dưới. Người hái chỉ việc lựa bỏ lá, nhánh khô và trái sâu, tiết kiệm khá nhiều thời gian”- anh Chau Rich chia sẻ thêm.
Cách đó không xa, vợ chồng chị Neáng Ry (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) cũng đang thu hái trâm. Chồng thì leo cây hái trái, chị ở dưới nhặt trái chín rụng để riêng. Trên cây, ngoài chồng chị Ry, mấy đứa trẻ trong nhà cũng đu trên những cành thấp, tíu tít vừa hái vừa ăn những trái trâm tím lịm, như một thức quà của thiên nhiên.
Ở vùng Núi Tô (huyện Tri Tôn, An Giang), hầu như nhà nào có trâm, có nhà sở hữu cả chục cây, đa số là cây tự mọc men theo triền núi hoặc bờ ruộng. Cây trâm không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người Khmer ở xã Núi Tô và thị trấn Cô Tô (huyện Tri Tôn) mà còn tỏa bóng mát làm nơi trú nắng, nghỉ ngơi cho những người nông dân vùng Bảy Núi An Giang giữa những ngày nóng như đổ lửa.
Đặc sản mùa khô vùng Bảy Núi
Quả trâm chín đen bóng, mọng nước, ăn có vị chua ngọt pha lẫn vị chát nhẹ.
Vào mùa trâm chín, dọc theo tỉnh lộ 943, từ xã Núi Tô đi thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn) có hơn chục người bày bán những rổ trâm chín mọng. Theo kinh nghiệm dân gian, trái trâm phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu như nắng quá thì trái nhỏ, còn mưa nhiều thì trái to. Đặc biệt, lá trâm càng xanh thì trái trâm chín càng dày cơm và ngọt.
Chị Neáng Bo Tha (ngụ xã Núi Tô, huyện Tri tôn) cho biết, mùa trâm chín rộ kéo dài khoảng 2 tháng, mỗi gốc trâm hơn 10 năm tuổi, mỗi ngày cho 5-8kg trái. Với 10 cây trâm ven triền núi, năm nào vào mùa trâm chín là cả gia đình chị Thi lại tất bật hái để bán phục vụ khách du lịch và người dân địa phương.
“Mỗi ngày hái trâm bán, nếu chịu khó gia đình cũng kiếm được gần 1 triệu đồng”- chị Neáng Sóc Thi phấn khởi nói.
Có thâm niêm hơn 10 năm thu mua trâm của người dân Khmer Tri Tôn đem bán lại cho bạn hàng ở Long Xuyên, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh,… chị Neáng Sóc Thi (ngụ xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) cho rằng, trâm không chỉ là món ăn chơi dân dã của của người dân nơi đây mà đã trở thành thứ trái cây đặc sản, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân Khmer vùng Bảy Núi An Giang.
Theo chị Thi, vào những ngày cao điểm, chị thu mua trên 300 kg trái trâm để giao lại cho bạn hàng. Tuy “vườn ai nấy bán” nhưng ở Núi Tô có một quy định bất thành văn, mỗi lần đến mùa trâm, các thương lái thường đặt cọc với các chủ vườn theo giá thỏa thuận để sau này không giành mối hoặc ép giá. Đối với người bán, mặc dù có người trả giá cao hơn, họ cũng giữ chữ tín, không làm trái với hợp đồng...
Ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 2.000 gốc trâm, tập trung nhiều ở xã Núi Tô và thị trấn Cô Tô. Trâm trồng 7 năm mới cho thu hoạch, tuổi thọ của cây kéo dài đến hơn 50 năm.
Theo ông Văn, tuy là loài cây mọc hoang dã, hiệu quả kinh tế không bằng cây thốt nốt, hay nhiều loại trái cây khác, nhưng với người Khmer ở Tri Tôn, cây trâm gắn liền với tuổi thơ và là một nét gì đó rất riêng của vùng Bảy Núi An Giang.
Trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng các sản phẩm du lịch, huyện Tri Tôn cũng đã có nhiều giải pháp phát triển các món ăn đặc trưng, loại trái cây đặc sản theo mùa như trâm, thốt nốt, trái trường… gắn với du lịch sinh thái, nhằm thu hút và níu chân du khách, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân theo hướng bền vững.
Theo Báo Tin Tức
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: