An Giang nâng cao hiệu quả công tác khuyến học - khuyến tài

29/08/2024 - 05:36

 - Những năm qua, công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Hội khuyến học các cấp phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo toàn diện công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt hiệu quả.

Phát triển số lượng và chất lượng

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh An Giang Nguyễn Tấn Danh, thời gian qua, tổ chức Hội Khuyến học từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ hội là những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và hoạt động khuyến học, khuyến tài.

Nét nổi bật là nhiều cán bộ lãnh đạo, đảng viên nghỉ hưu và cựu giáo chức tình nguyện tham gia hoạt động ở các cấp hội, thể hiện vai trò nòng cốt trong hoạt động của hội chăm lo cho công tác khuyến học - khuyến tài tại địa phương.

Toàn tỉnh An Giang có 11 hội khuyến học cấp huyện, 156 hội cấp xã; 2.469 chi hội khuyến học (ở khóm, ấp, dòng họ, trường học, tôn giáo); 762 ban khuyến học với 414.785 hội viên, trên 337.100 gia đình học tập, 367 dòng họ học tập, 592 đơn vị học tập, 572 cộng đồng học tập; hầu hết các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp có hoạt động khuyến học - khuyến tài.

“Hội Khuyến học đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp, vận động các tổ chức, lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác vận động, quản lý và xét tặng học bổng luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch và có sự giám sát của chính quyền, đoàn thể các cấp” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đánh giá.

Giai đoạn 2017 - 2022, số tiền đóng góp, ủng hộ cho Quỹ Khuyến học - khuyến tài của tỉnh gần 156 tỷ đồng. Đã tổ chức cấp phát học bổng, hỗ trợ cho trên 340.300 lượt học sinh, sinh viên, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; tạo điều kiện cho trên 4.260 học sinh, sinh viên có nguy cơ bỏ học trở lại trường. Riêng năm 2023, tổng thu các nguồn quỹ khuyến học - khuyến tài toàn tỉnh đạt 76,2 tỷ đồng (tăng 11,35 tỷ đồng so năm 2022); tổng chi 70,69 tỷ đồng (tăng 16,15 tỷ đồng).

“Nhiều học sinh, sinh viên được hỗ trợ, thụ hưởng từ Quỹ Khuyến học - khuyến tài đã nỗ lực trong học tập, phấn đấu thực hiện ước mơ và hoài bão trở thành công dân tốt, có ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Nhiều em đỗ đạt thành tài, có việc làm ổn định và địa vị cao trong xã hội và quay trở lại ủng hộ nguồn lực cho quỹ ngày càng bền vững” - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh An Giang Nguyễn Tấn Danh thông tin.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Đảng, chương trình của Chính phủ và kế hoạch của tỉnh, việc xây dựng các mô hình học tập, như: “Công dân học tập”, “Xã học tập”, “Huyện học tập” được hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo ở các cấp học phối hợp các tổ chức hội khuyến học triển khai thực hiện ngày càng chặt chẽ hơn. Việc giáo dục học sinh, xét chọn học sinh nhận các học bổng khuyến học - khuyến tài, hỗ trợ phương tiện, vật chất giúp cho các em đến trường học tập tốt được quan tâm.

Góp phần phát triển nguồn nhân lực

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết: “Thành công của công tác khuyến học - khuyến tài của tỉnh thời gian qua đã tích cực thúc đẩy phong trào xã hội hóa trong giáo dục; nhiều mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” được công nhận; nhiều gương người tốt, việc tốt trong phong trào khuyến học - khuyến tài được tuyên dương, nhân rộng.

Toàn tỉnh hiện công nhận 9.759 người đạt danh hiệu “Công dân học tập”, tạo cơ sở đi đến công nhận các đơn vị học tập trong toàn tỉnh. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu “phát triển giáo dục - đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra”.

Với truyền thống “Tương thân tương ái” của người dân An Giang, thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ, Bác Tôn về công tác khuyến học - khuyến tài, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận 49-KL/TW. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về công tác khuyến học - khuyến tài. Đồng thời, xác định mục tiêu của công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực cho địa phương.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, tăng cường đầu tư nguồn lực, cơ chế, chính sách hỗ trợ các loại hình giáo dục chính quy và không chính quy. Đa dạng hóa các hình thức học tập để mọi người, mọi lứa tuổi đều có quyền học tập suốt đời phù hợp điều kiện, khả năng của mỗi cá nhân.

THU THẢO