An Giang nâng cao ý thức chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia

21/07/2022 - 07:56

 - Để thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông (TNGT) trong năm 2022 từ 5-10% so với năm 2021 cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, ngăn ngừa các vụ TNGT liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh An Giang cùng các ban, ngành, đoàn thể và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật giao thông.

Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP với những quy định xử phạt nặng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu, bia đã thay đổi nhận thức của người dân. Ở những buổi tiệc, liên hoan… những lời nhắc “Lái xe đấy, đừng uống rượu, bia”, “Uống bia, rượu rồi đi taxi về hay kêu người nhà lại rước cho an toàn” đã trở nên quen thuộc.

Anh Lê Văn Hồng (ngụ phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) cho biết, không chỉ anh mà các tài xế xe tải đều tự giác chấp hành nghiêm quy định. Bởi, nếu uống một ít bia, rượu mà lái xe sẽ bị xử phạt hàng triệu đồng và bị tước bằng lái thì ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình. “Nếu bị xử phạt vì lỗi có nồng độ cồn, nhẹ cũng mất gần 10 triệu đồng, xem như “đi tong” công sức gần cả tháng lao động vất vả. Đó là chưa kể bị giữ xe, tước giấy phép lái xe… Khi đó, tiền đâu để lo chi phí sinh hoạt hàng ngày, tiền đâu cho con ăn học. Mấy năm nay, tôi bỏ hẳn rượu, bia, trừ khi có đám tiệc, tôi xin nghỉ ở nhà thì lúc đó mới uống cùng anh em, bạn bè” - anh Hồng chia sẻ.

Lực lượng cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt hành chính vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Không chỉ người điều khiển phương tiện và những người làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT mà mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội rất đồng tình với các quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Chị Nguyễn Thị Oanh (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết, hàng tuần chị có 3 buổi tối phải chở con đi học thêm. Chị ngại nhất khi phải đi trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, vì rất mất thời gian và lo lắng đến sự an toàn của 2 mẹ con, do nhiều phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí không ít người say xỉn chạy xe loạng choạng. Giờ đây, tình trạng này tuy vẫn còn nhưng giảm hẳn so với trước. “Có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện thì phạt nặng, cộng thêm bị giữ xe, tước giấy phép lái xe ai cũng phải sợ. Giờ đây tôi yên tâm phần nào mỗi khi ra đường”- chị Oanh cho biết.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã thấy rõ hiệu quả nhưng vẫn còn những trường hợp không chấp hành quy định, gây mất trật tự ATGT. Thậm chí, vẫn còn những hành vi chống đối, không chấp hành việc kiểm tra. Vì vậy, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Văn bản 663/UBND-KGVX về việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các ngành, các cấp, cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh quan tâm tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng như nguyên nhân, hậu quả của TNGT nói chung, TNGT do vi phạm về nồng độ cồn nói riêng để nâng cao nhận thức của người dân, nghiêm túc thực hiện “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, hạ tầng số và các khung giờ phù hợp trên sóng truyền hình...

Đồng thời, tiếp tục triển khai, quán triệt trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang, nhân dân, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu, bia; gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Công an tỉnh khẩn trương thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an; tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngành đảm bảo thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất ma túy; phối hợp các ngành xây dựng các giải pháp tích cực trong tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ, hiểu đúng các quy định Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng như biện pháp xử lý những hành vi vi phạm có liên quan đến rượu, bia.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại, hậu quả cũng như biện pháp xử lý những hành vi vi phạm có liên quan đến rượu, bia; chủ trì, phối hợp chặt chẽ các ngành chức năng tăng cường xử lý các hành vi vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Ban ATGT tỉnh An Giang đôn đốc, kiểm tra các cơ quan thành viên tập trung thực hiện nghiêm Chỉ thị 03/CT-TTg, ngày 16/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 123/2021/NĐ-CP; phối hợp tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia…

LÊ HOÀNG