Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Lư Thị Kim Thùy cho biết: “Thời gian qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tập trung chỉ đạo tuyên truyền các chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Cùng với đó, quán triệt các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang về phát triển HTX, THT gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực đến toàn thể hội viên, nông dân, giúp bà con nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tập thể giai đoạn hiện nay”.
Bà Lư Thị Kim Thùy cho hay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp Ban Kinh tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) mở 3 lớp tập huấn về tuyên truyền, vận động nông dân tham gia HTX để phát triển vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng chuỗi giá trị với hơn 380 người tham dự. Tổ chức 6 lớp tập huấn về nâng cao nhận thức và năng lực kinh tế tập thể, HTX năm 2023 tại các địa phương: Huyện Phú Tân, Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, TX. Tịnh Biên… với hơn 480 học viên tham dự.
Thông qua công tác tuyên truyền, các cấp hội vận động thành lập được 156 THT với 1.420 thành viên, trên diện tích canh tác 29,88ha trong năm 2023. Nâng tổng số THT toàn tỉnh lên 1.193 tổ, với 16.667 thành viên, trên diện tích canh tác 52.656ha. Đồng thời, hội nông dân các cấp vận động thành lập mới 34 CLB nông dân, với 654 thành viên, nâng tổng số CLB nông dân toàn tỉnh lên 297 CLB, với 7.883 thành viên.
Hội Nông dân tỉnh tham gia phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang
“Điểm nhấn trong hoạt động phát triển các CLB nông dân của chúng tôi là vận động thành lập CLB doanh nhân nông thôn tại xã Long Kiến (huyện Chợ Mới) với 20 thành viên tham gia. Đây là mô hình đầu tiên được Hội Nông dân tỉnh xây dựng tại cơ sở, thành viên tham gia có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục củng cố, hỗ trợ CLB này nâng cao chất lượng hoạt động, trở thành hình mẫu để tiếp tục nhân rộng mô hình trong tương lai” - bà Lư Thị Kim Thùy thông tin thêm.
Là Chủ nhiệm CLB doanh nhân nông thôn xã Long Kiến, ông Lê Trường Giang tâm đắc khi được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ để hình thành CLB doanh nhân nông thôn tại địa phương. Ông Giang cho rằng, việc phát triển kinh tế tập thể hiện nay là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, với mục tiêu giúp người nông dân thích ứng với thời kỳ hội nhập.
“Tôi vô cùng tâm đắc về phương hướng 5 năm tới, với 17 chỉ tiêu và 3 nhiệm vụ đột phá của Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam. Đặc biệt, tôi quan tâm chỉ tiêu thứ 9 là “hỗ trợ ít nhất 500.000 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử”. Đây là điều kiện thiết thực, mang lại lợi ích lớn cho hội viên, nông dân, để chúng tôi đa dạng hóa kênh tiêu thụ nông sản, giảm bớt sự lệ thuộc vào thương lái, đầu mối như hiện nay” - ông Lê Trường Giang chia sẻ.
Bên cạnh, ông Giang và các thành viên của CLB doanh nhân nông thôn xã Long Kiến đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ đột phá thứ hai của Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam, đó là “tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”. Đây là yếu tố tiên quyết, giúp hỗ trợ hội viên, nông dân đủ điều kiện để thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản với các doanh nghiệp một cách bền vững.
Dù nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành nhưng việc xây dựng, phát triển các THT, CLB nông dân vẫn đối mặt với những khó khăn. Cụ thể, hoạt động của một số THT, CLB nông dân vẫn chưa đi vào chiều sâu, chưa thật sự thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia. Ban chủ nhiệm CLB nông dân ở một vài nơi thiếu chủ động trong công tác phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương để lồng ghép, tổ chức sinh hoạt nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các THT, CLB nông dân, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX đến hội viên, nông dân. Thường xuyên phối hợp Liên minh HTX tỉnh và các sở, ngành tạo điều kiện cho ban quản lý THT, ban chủ nhiệm CLB nông dân được tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực trong quản lý, điều hành hoạt động của THT, CLB nông dân…
“Chúng tôi tăng cường củng cố, vận động thành lập các THT, các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Trên cơ sở đó, lựa chọn các THT, chi hội có đủ điều kiện để nâng lên thành HTX. Tiếp tục phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX tỉnh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và các doanh nghiệp để triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, cùng hướng tới mục tiêu giúp nông dân nâng cao lợi nhuận, sản xuất thân thiện với môi trường, đảm bảo tính bền vững trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Lư Thị Kim Thùy nhấn mạnh.
THANH TIẾN