An Giang nâng tầm Chương trình OCOP

31/07/2024 - 06:30

 - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang đã đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bằng những giải pháp đồng bộ, từng bước tạo thương hiệu cho nông sản địa phương, xây dựng chuỗi giá trị hướng đến thị trường trong và ngoài nước…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trần Thanh Hiệp cho biết, để giúp đỡ các chủ thể thực hiện chương trình OCOP, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương triển khai một số biện pháp trọng tâm.

Theo đó, Sở NN&PTNT An Giang cùng các đơn vị liên quan đã triển khai đánh giá các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền;  bồi dưỡng, hướng dẫn một số kỹ năng liên quan đến công tác truyền thông, tuyên truyền về Chương trình OCOP…

Đặc biệt, ngành NN&PTNT tỉnh còn phối hợp với các đơn vị liên quan giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại và kết nối cung - cầu đối với sản phẩm OCOP. Song song đó, hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử… Đồng thời, hỗ trợ xây dựng và thực hiện mô hình điểm phát triển du lịch khu vực nông thôn gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP tại 3 xã cù lao Giêng  (huyện Chợ Mới)…

Việc phát triển các sản phẩm OCOP góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương

Đến nay, toàn tỉnh đã đánh giá và phân hạng 138 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 2 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 13 sản phẩm 4 sao và 120 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm đến từ 99 chủ thể kinh tế, với 8 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 24 doanh nghiệp và 66 cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh.

Trong số các sản phẩm OCOP của tỉnh, có 111 sản phẩm còn thời hạn chứng nhận từ 3 sao trở lên; 25 sản phẩm hết hạn công nhận 36 tháng và đang thực hiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lại theo quy định mới của Trung ương; 2 sản phẩm ngừng hoạt động sản xuất.

Bà  Vương Kim Đính (hộ kinh doanh Vương Kim, xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn) có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP là trà sâm đinh lăng và rượu sâm đinh lăng cho biết, các sản phẩm của cơ sở hiện đang được thị trường đón nhận.

“Được công nhận sản phẩm OCOP là sự động viên, khích lệ, tạo động lực để gia đình tôi tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới từ cây đinh lăng. Đồng thời, tiếp tục đầu tư máy móc, trang thiết bị để nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường” - bà Vương Kim Đính chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trần Thanh Hiệp, việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thời gian qua có nhiều thuận lợi. Đó là sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp chính quyền; công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện tốt giúp cho người dân hiểu biết về chương trình và chủ động đăng ký tham gia. UBND tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc và giám sát triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, hệ thống chỉ đạo điều hành từng bước được kiện toàn, nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm triển khai chương trình ở địa phương được nâng lên

Ngoài ra, Chương trình OCOP còn tác động tích cực đến việc sản xuất - kinh doanh của các chủ thể. Theo ông Hiệp, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì của sản phẩm OCOP ngày càng phát triển, thể hiện trình độ sản xuất của chủ thể kinh tế tiến bộ. Đồng thời, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm, vùng nguyên liệu và lao động địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP còn nhiều hạn chế. Các chủ thể gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ, thay đổi mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại… nên chưa đủ điều kiện phát triển đạt các tiêu chuẩn sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Song song đó, các chủ thể đạt sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm mang tính bền vững và gắn kết lâu dài.

Mặt khác, quy mô sản xuất của các chủ thể nhỏ, năng lực quản lý điều hành trong sản xuất - kinh doanh còn ở mức thấp, nên việc tham gia hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP còn ít, không thường xuyên và thiếu ổn định. Ngoài ra, các kênh phân phối sản phẩm OCOP chưa đa dạng, phong phú nên còn gặp khó khăn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu…

Dựa trên những kết quả đạt được, thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương triển khai các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, tập huấn và đánh giá, phân hạng sản phẩm. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý OCOP các cấp và các cơ sở sản xuất tham gia thực hiện chương trình.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT An Giang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, địa phương đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại đến với thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt là thông tin, giới thiệu trên các phương tiện truyền thông, trưng bày trên không gian mạng; giới thiệu thông tin sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử.

Cùng với đó, tổ chức kiểm tra, giám sát công tác triển khai thực hiện Chương trình OCOP và các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đồng thời, hỗ trợ khảo sát đối với các sản phẩm tiềm năng tham gia thực hiện chương trình năm 2024…

ĐỨC TOÀN