An Giang: Nghiên cứu mô hình, giải pháp cải cách hành chính

15/08/2023 - 07:17

 - Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) tỉnh An Giang năm 2022 xếp hạng 42/63 tỉnh, thành phố của cả nước, tăng 5 bậc so năm 2021. Hội đồng thẩm định (Bộ Nội vụ) ghi nhận một số sáng kiến giải pháp CCHC của tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai nhiều mô hình, giải pháp CCHC hiệu quả, để duy trì kết quả đạt được.

Nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công

Một số địa phương nỗ lực nâng cao hiệu quả CCHC thông qua cuộc thi, hội thi tìm kiếm giải pháp, sáng kiến, mô hình, như huyện An Phú, Thoại Sơn. Các giải pháp, mô hình đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng Zalo trong hỗ trợ, giải đáp TTHC, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.

Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang là đơn vị đứng đầu chỉ số “sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) các sở, ban, ngành tỉnh” với giải pháp giao trường THPT hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang Trần Tuấn Khanh cho biết: “Việc đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024 thực hiện 100% bằng hình thức trực tuyến. Đơn vị yêu cầu trực tuyến từ khâu đăng ký nguyện vọng, tổ chức coi thi, làm phách, chấm thi, tổ chức xét tuyển trực tuyến đảm bảo chính xác, khách quan và tạo công bằng cho tất cả thí sinh. Giải pháp này tăng cường tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đẩy mạnh CCHC, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với dịch vụ công”.

Sở Tài chính đứng hạng nhất chỉ số “CCHC các sở, ban, ngành tỉnh” với giải pháp nâng cao vai trò quản lý, điều hành nguồn vốn đầu tư công. Đứng hạng nhì là Sở Giao thông vận tải, với giải pháp chuyển giao thiết bị và phần mềm giấy phép lái xe cho bộ phận “một cửa” cấp huyện; hướng dẫn hoạt động vận tải hàng hóa đảm bảo lưu thông, phòng, chống dịch COVID-19, ổn định an ninh lương thực.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp, sáng kiến được tỉnh ghi nhận, như: Sở Kế hoạch và Đầu tư cải tiến việc tiếp nhận, xử lý khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) khi đăng ký, triển khai đầu tư dự án tại tỉnh; hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện nghị quyết quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ; đảm bảo sử dụng kinh phí thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Sở Nội vụ An Giang xây dựng Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập; bồi dưỡng đạo đức công vụ cho công chức, viên chức lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện phần mềm tra cứu thông tin cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; triển khai đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin về vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.

Sở Thông tin và Truyền thông An Giang triển khai “Tổ công nghệ số cộng đồng” đến khóm, ấp; kết nối hệ thống thông tin trong giải quyết TTHC của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC... Sở Xây dựng thực hiện chuyên trang cung cấp thông tin dự án nhà ở, dự án hợp pháp; cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, rút ngắn 20% thời gian xử lý 6 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Sở Y tế triển khai hệ thống Hệ thống thông tin quản lý trạm y tế sử dụng phần mềm VNPT-HIS; ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số y tế định hướng đến năm 2030...

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trương Long Hồ đánh giá: “Kết quả chỉ số hài lòng thể hiện được sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, là thước đo đánh giá hiệu quả cung ứng dịch vụ công. Tuy nhiên, kết quả chỉ số hài lòng năm 2022 sụt giảm thứ hạng so năm 2021. Từ thực trạng đó, mỗi cơ quan, đơn vị cần nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm, tiếp tục đẩy mạnh CCHC, khắc phục hạn chế, tồn tại, phát huy kết quả đạt được”.

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động CCHC của cơ quan, đơn vị; lấy người dân, tổ chức, DN làm trung tâm phục vụ. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tiếp tục theo dõi, chỉ đạo tăng cường CCHC; đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai mô hình, giải pháp, sáng kiến, cách làm mới, sáng tạo; vận dụng hiệu quả CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhất là khâu đột phá “Cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, nâng sự hài lòng của người dân, DN đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

HẠNH CHÂU