An Giang: Nhiều ao cá tra cặp sông Hậu bị vỡ

08/04/2021 - 21:09

 - Từ trưa 7-4, đoạn tiếp giáp xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) và xã Long Giang (Chợ Mới), đã xảy ra sạt lở hàng trăm mét bờ bao cùng nhiều tài sản của các doanh nghiệp (DN) nuôi cá tra cặp bờ Long Giang. DN cùng đơn vị liên quan đang triển khai nhanh các giải pháp nhằm “cứu” gần 2.000 tấn cá trong các ao lớn.

Sạt lở ăn sâu hàng chục mét

Nếu như đầu cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) có làng bè nuôi cá thì ở xã Long Giang (Chợ Mới) đối diện, cũng có nhiều DN đầu tư vùng nuôi cá tra nguyên liệu với diện tích lớn, như: Công ty Cổ phần (CP) Nam Việt, Tập đoàn Sao Mai, Công ty CP xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (AFIEX)… Từ trưa 7-4-2021, khu vực này liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở nghiêm trọng.

Anh Châu Thành Long, quản lý vùng nuôi cá tra rộng 4ha của Tập đoàn Sao Mai tại ấp Long Hòa (xã Long Giang) nhớ lại: “Khoảng gần 14 giờ chiều 7-4, khi tôi đang vận chuyển thức ăn cho cá thì phát hiện con đường đất dẫn ra cầu tàu bị sạt lở. Chỉ trong chốc lát, đoạn đường dài hơn 30m nối từ ao lắng lọc ra sông Hậu bị nuốt chửng dưới dòng nước mạnh.

Sạt lở nhanh chóng ăn sâu vào trong, làm vỡ đoạn bờ hầm của ao lắng lọc với chiều dài hơn 200m, chiều ngang từ 15-20m, “nuốt” luôn căn nhà tiền chế (là chỗ nghỉ, sinh hoạt của công nhân nuôi cá), nhà chứa thức ăn xuống sông. Sạt lở làm hư hỏng trạm bơm điện (dùng bơm nước vào ao nuôi cá), buộc phải ngắt điện để tháo dỡ”.

Bờ bao dài hơn 200m bị cuốn xuống sông

Cặp bên vùng nuôi cá của Tập đoàn Sao Mai là vùng nuôi cá rộng khoảng 12ha của Công ty CP Nam Việt với 6 ao nuôi. Anh Phạm Văn Thắng, quản lý vùng nuôi Nam Việt cho biết, sạt lở diễn ra rất nhanh khiến công nhân không kịp phản ứng. “Chỉ trong thời gian ngắn, bãi bồi dài hàng chục mét ra sông Hậu biến mất, sạt lở “ăn” vào đoạn bờ bao bảo vệ ao nuôi dài hơn 50m, rộng 1,5m, cao 2m, cuốn trôi 9 cây xúc (mỗi cây dài 25m), làm hư đường cấp nước, “nuốt” luôn trạm điện 560kW xuống sông, làm tê liệt hệ thống bơm cấp nước cho 6 ao nuôi. Chúng tôi chỉ kịp tự di dời hệ thống moteur để tránh thiệt hại tài sản”.

Khẩn trương khắc phục

Anh Châu Thành Long cho biết, vùng nuôi cá của Tập đoàn Sao Mai có 3 ao nuôi, sản lượng hiện tại khoảng 800-900 tấn cá tra thịt (trọng lượng bình quân 0,7-0,8kg/con), trị giá hơn 20 tỷ đồng. “Do trạm bơm điện bị hư hỏng, không thể bơm nước vào ao lắng lọc để thay nước vào ao cá nên cá có nguy cơ thiếu ô-xy, phát sinh bệnh. Thực tế sáng 8-4, cá chết nổi trên mặt nước rất nhiều. Nếu không khắc phục sớm, thiệt hại rất lớn” - anh Long nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo anh Phạm Văn Thắng, trong 6 ao nuôi của vùng nuôi Nam Việt, có 1 ao cá đã lớn với sản lượng khoảng 400 tấn (bình quân 1,3kg/con), còn lại là cá nhỏ với trọng lượng 150-300gr/con, tổng sản lượng các ao nuôi hơn 1.000 tấn cá. “Thời điểm này, ao cá rất cần bơm nước vào thay thường xuyên để bổ sung ô-xy. Do trạm hạ thế điện chìm xuống sông, hệ thống bơm tê liệt nên cá chết nổi trắng trên mặt nước. Chỉ trong buổi sáng 8-4, công nhân vớt lên hơn 1 tấn cá chết. Cá chết càng nhanh nếu không được bơm nước vào kịp thời” - anh Thắng lo lắng.

Công nhân vớt cá chết vào sáng 8-4

Làm việc với quản lý vùng nuôi của Tập đoàn Sao Mai, ông Vũ Hồng Quốc Anh, đại diện đơn vị thi công dự án nạo vét nhánh trái sông Hậu, ghi nhận những thiệt hại đã xảy ra và nguy cơ có thể đối với 3 ao nuôi cá tra; tạm thời hỗ trợ xử lý nước cấp cho ao cá... Đơn vị thi công đồng ý hỗ trợ đắp lại bờ đã sạt lở.

Sáng 8-4, đoàn công tác Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) An Giang đã khảo sát thực tế tình hình triển khai dự án nạo vét nhánh trái sông Hậu, cũng như ghi nhận sạt lở tại các ao cá. Đại diện đoàn công tác cho biết, diện tích bị sạt lở hầu hết là đất bãi bồi, do các DN cơi nới ra rồi tự đắp bờ bao, hạ thế trạm điện, xây dựng hệ thống trạm bơm nước vào ao nuôi cá. Nhận định ban đầu, nguyên nhân sạt lở có thể do nền đất bãi bồi yếu, áp lực hạ tầng xây dựng bên trên cộng với áp lực dòng chảy sông Hậu.

Ông Huỳnh Văn Thái, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu (Sở TN&MT) cho biết, tiểu dự án nạo vét nhánh trái sông Hậu (đoạn sông giáp cù lao Ông Hổ với huyện Chợ Mới) đã được UBND tỉnh phê duyệt, do 3 đơn vị thực hiện nạo vét theo hình thức cấp mỏ khai thác cát (việc thu hồi vật liệu nạo vét phải đáp ứng Luật Khoáng sản).

"Hiện nay, tất cả các phương tiện nạo vét, khai thác cát được cấp phép đều có lắp thiết bị định vị, giám sát vị trí khai thác, kết nối vào hệ thống phần mềm quản lý của Sở TN&MT. Nếu phương tiện nào di chuyển ra khỏi khu vực được phép khai thác, hệ thống sẽ tự động ghi nhận và cảnh báo. Qua kiểm tra, chưa ghi nhận trường hợp nạo vét ngoài khu vực được phép khai thác cát tại tiểu dự án nạo vét nhánh trái sông Hậu"- ông Thái thông tin.

Ghi nhận của phóng viên Báo An Giang, trong đêm 7-4, vùng nuôi của Sao Mai và Nam Việt tiếp tục sạt lở. Nhiều gốc dừa, cây xanh lớn bị nuốt chửng xuống sông. Đến sáng 8-4, sạt lở vẫn diễn ra. Nhiều vết răn nứt đang hình thành thêm

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN