An Giang “nói không với rác thải nhựa”

07/09/2020 - 06:55

 - Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm nước ta có hơn 1,8 triệu tấn nhựa được sản xuất ra nhưng chỉ có 27% trong số đó được tái chế và đang có nguy cơ trở thành bãi rác lớn nhất thế giới. Lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người ở nước ta đã tăng mạnh từ 3,8kg lên gấp 10 lần trong giai đoạn từ 1990-2018.

Thu gom rác thải trên địa bàn TP. Long Xuyên. Ảnh: HỮU HUYNH

Rác thải nhựa là những sản phẩm làm bằng nhựa đã qua sử dụng hoặc không được dùng đến và bị vứt bỏ. Đó là túi nhựa, chai nhựa, ly nhựa, ống hút nhựa, đồ chơi cũ bằng nhựa… có chung đặc điểm là thời gian phân hủy rất lâu, có thể lên tới hàng trăm, hàng ngàn năm.

Trong số rác thải nhựa thải ra môi trường có khoảng 50% từ đồ nhựa dùng 1 lần và là nguồn rác gây nguy hại cực lớn cho môi trường cũng như sức khỏe. Tác hại của rác thải nhựa là rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên tùy theo từng loại chất nhựa; các loại động vật, khi ăn phải rác thải nhựa có thể chết, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh thái.

Khi đốt, rác thải nhựa sinh ra khí dioxin gây ô nhiễm không khí, ngộ độc, ung thư… Khi chôn lấp, rác thải nhựa ngăn cản quá trình thẩm thấu nước, trao đổi khí trong đất ảnh hưởng sự phát triển của cây trồng, ô nhiễm nguồn nước. Rác thải nhựa còn gây mất mỹ quan khu du lịch và không gian sống của con người.

Riêng ở An Giang với dân số gần 2 triệu người, theo mức bình quân cả nước, thì chúng ta đã thải ra môi trường khoảng 90 triệu kg rác trong năm 2019, trong đó 24,757 triệu kg được tái chế, một phần được thu gom, xử lý qua hệ thống nhà máy xử lý rác, mô hình xử lý rác thủ công và phần còn lại thải ra môi trường.

Thấy rõ nguy cơ của rác thải nhựa, từ năm 2018, UBND tỉnh đã có chủ trương “Chống rác thải nhựa” thông qua Quyết định số 2900/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch thực hiện phong trào này trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nội dung phong trào là: hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng 1 lần và tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa; tuyên truyền sâu rộng phong trào và thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần”; tăng cường ứng dụng công nghệ và cơ chế chính sách để khuyến khích sản phẩm thay thế phát triển. Trên cơ sở này, tất cả các ngành và UBND cấp huyện ban hành kế hoạch thực hiện tại hệ thống đơn vị và địa phương mình.

Có rất nhiều hoạt động ứng phó như: tăng cường liên kết giữa tổ chức đoàn thể, hệ thống giáo dục với cơ quan quản lý tài nguyên môi trường dưới sự chỉ đạo chung của hệ thống chính quyền để tuyên truyền nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và cộng đồng. Tất cả các hoạt động trong cơ quan hành chính, sự nghiệp công đều phải thay đổi theo hướng không sử dụng chất thải nhựa, thay chai nước sử dụng 1 lần bằng chai thủy tinh, bằng máy lọc nước uống liền, hạn chế sử dụng văn phòng phẩm làm từ nhựa, đựng thuốc bằng túi giấy thay túi nhựa ở các bệnh viện, thay túi ny-lon bằng túi tự hủy ở các siêu thị, đổi bọc ny-lon lấy cây xanh, vở, viết và tổ chức hội thi vẽ tranh, thi tái chế phế phẩm nhựa…

Trong cộng đồng thì các hoạt động đổi rác thải nhựa lấy sản phẩm được tổ chức thường xuyên như: đổi rác thải nhựa lấy khẩu trang, xà bông ở TX. Tân Châu; đổi rác nhựa lấy ống hút làm từ rau, củ, quả ở huyện Chợ Mới; đổi rác nhựa lấy vật dụng, nhu yếu phẩm ở TP. Long Xuyên; ở huyện Phú Tân, Châu Phú đổi rác thải nhựa lấy gạo, nước mắm, nước tương, nước tinh khiết, thu mua vỏ chai nhựa, tặng túi thân thiện môi trường ở siêu thị Co.opmart…

Chỉ tính riêng năm 2019 đã có 165 hoạt động bảo vệ môi trường, với 24.459 lượt người tham dự, 10 cuộc mít-tinh, 175 buổi tập huấn, 10 đợt ra quân thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, hỗ trợ 60 thùng rác, 4 xe đẩy tay, 500 nón, 500 áo, 6.000 quyển vở, 2.000 cây viết… Đoàn viên, Thanh niên thực hiện công trình, phần việc: tuyến đường “Thanh niên xanh - sạch - đẹp”; ngày thứ sáu xanh; ngày thứ bảy tình nguyện; Chủ nhật xanh. Ngoài ra, còn có các mô hình: nông dân tham gia bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới; phụ nữ xách giỏ đi chợ; phụ nữ nói không với túi ny-lon; cựu chiến binh thu gom rác thải nhựa; ấp tự quản bảo vệ môi trường; phân loại rác tại nguồn; phân loại rác tại công sở; tổ chức các gian hàng xanh… Riêng hoạt động tuyên truyền kết hợp đổi rác thải nhựa lấy quà thân thiện môi trường tại Trường Tiểu học “A” thị trấn Chợ Mới thu hút hơn 1.000 em tham gia, thu gom khoảng 1 tấn rác thải nhựa.

Năm 2020, phong trào “Nói không với rác thải nhựa” tiếp tục triển khai mạnh mẽ. Điển hình là TP. Long Xuyên đã có kế hoạch thu gom rác thải nhựa bằng hình thức trao đổi nhu yếu phẩm trên cơ sở phối hợp giữa Thành đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND phường, xã và Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ - Du lịch An Giang. Sản phẩm quy đổi là gạo, nhu yếu phẩm, nước suối và thu mua vỏ chai nước suối. Hoạt động được tổ chức đến hết tháng 12-2020 tại các phường, xã, các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn thành phố.

VÂN ANH (Sở Tài nguyên và Môi trường)

 

Liên kết hữu ích