An Giang phấn đấu hoàn thành thu ngân sách Nhà nước

30/07/2024 - 06:13

 - Những tháng cuối năm 2024, ngành tài chính phối hợp các ngành, địa phương ở An Giang tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phấn đấu hoàn thành vượt mức cao nhất dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024…

Giám đốc Sở Tài chính An Giang Trần Minh Nhựt cho biết: “Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác phối hợp giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các ngành, các cấp trong quản lý thu NSNN được tăng cường, đồng thời triển khai mạnh mẽ công tác chống thất thu ngân sách, tham mưu chính quyền địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) và hộ, cá nhân. Qua đó, góp phần phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, ổn định đời sống, công tác thu NSNN từ kinh tế địa bàn đạt và vượt tiến độ bình quân dự toán HĐND tỉnh giao”.

Triển khai nhiệm vụ công tác tài chính - ngân sách 6 tháng cuối năm 2024

6 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách NSNN kinh tế địa bàn 4.764 tỷ đồng, đạt 66% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 120% so cùng kỳ. Cụ thể, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 311 tỷ đồng (đạt 94% dự toán); thu nội địa 4.453 tỷ đồng (đạt 65% dự toán, bằng 117% so cùng kỳ), nếu không kể số thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết thì thực hiện là 2.796 tỷ đồng, đạt 64% dự toán và bằng 108% so cùng kỳ.

Trong đó, có 14/16 khoản thu đạt và vượt tiến độ dự toán (từ 50% trở lên), gồm: Thu từ DN Nhà nước Trung ương; thu từ DN nhà nước địa phương; thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài; thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thuế bảo vệ môi trường; thu phí, lệ phí; thu tiền sử dụng đất; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước; thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản; thu khác ngân sách; thu cấp quyền khai thác khoáng sản và thu xổ số kiến thiết.

Tỉnh An Giang tập trung huy động các nguồn lực tài chính đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi đã được bố trí trong dự toán đầu năm cho các ngành, các cấp; thực hiện kịp thời các chế độ chính sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội, an sinh xã hội; chi đảm bảo cho chi đầu tư xây dựng cơ bản, an ninh quốc phòng, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương.

Công tác quản lý chi ngân sách địa phương được thực hiện chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, hạn chế bổ sung nhiệm vụ chi ngoài dự toán. Hầu hết các đơn vị sử dụng ngân sách đều chấp hành tốt dự toán được giao, đảm bảo đúng chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức quy định. Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2024 là 8.474 tỷ đồng, đạt 41% dự toán HĐND giao, bằng 120% so cùng kỳ.

Sở Tài chính An Giang thường xuyên phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị có liên quan phân bổ kế hoạch vốn đầu tư theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công; khớp đúng tổng mức đầu tư, cơ cấu vốn. Đồng thời, ưu tiên bố trí thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn trả các khoản ứng trước, vốn đối ứng các chương trình dự án sử dụng vốn ODA, dự án chuyển tiếp, còn lại mới xem xét bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đã có đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, thực hiện tốt việc thẩm định nguồn vốn, cơ cấu bố trí vốn đầu tư các dự án, công trình theo quy định; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện các dự án đúng tiến độ và thanh toán qua Kho bạc Nhà nước đúng quy định; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc các dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết tháng 6 năm 2024 (bao gồm vốn kéo dài) 3.293 tỷ đồng/9.680 tỷ đồng, đạt 34%.

Giám đốc Sở Tài chính Trần Minh Nhựt nhấn mạnh: “6 tháng cuối năm 2024, ngành tài chính An Giang sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý thu, chống thất thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu phát sinh theo quy định; chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.

Đồng thời, phối hợp các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phấn đấu hoàn thành vượt mức cao nhất dự toán thu NSNN năm 2024…”.

Cùng với đó, điều hành chi ngân sách địa phương chặt chẽ, hiệu quả, đúng dự toán được giao, đúng nguồn, đúng chế độ định mức quy định và trên tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, đường cao tốc, liên vùng; khắc phục bất cập để giải ngân nhanh hơn, sử dụng hiệu quả hơn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài (nếu có); tăng cường quản lý hiệu quả tài sản công; tăng cường công tác quản lý, điều hành giá.

Ngoài ra, chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính, NSNN; thanh, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí…

TRUNG HIẾU