An Giang phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất

26/07/2022 - 07:02

 - Với nỗ lực của ngành tài chính địa phương, công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt được kết quả tích cực, với tổng thu NSNN từ kinh tế địa bàn tỉnh An Giang 4.095 tỷ đồng (đạt 66,22% so dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 81,4% so cùng kỳ). Qua đó, tạo tiền đề thuận lợi để tỉnh An Giang phấn đấu tăng thu NSNN vượt dự toán HĐND tỉnh giao ở mức cao nhất.

Giám đốc Sở Tài chính An Giang Trần Minh Nhựt cho biết, ngay từ đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành tài chính tỉnh tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh phương án điều hành NSNN năm 2022 theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế nhằm đảm bảo cân đối ngân sách các cấp. Đồng thời, có văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022, đề ra các giải pháp điều hành cân đối ngân sách địa phương chủ động, tích cực.

Đối với công tác tổ chức thực hiện thu NSNN, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành đối với công tác thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2022. Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tài chính, cơ quan thu và chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý thu, chú trọng khai thác nguồn thu, đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại và quyết liệt xử lý nợ thuế. Bên cạnh đó, chú trọng cải cách hành chính, tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế; thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời gian nộp thuế nhằm hỗ trợ và tác động tích cực đến phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19.

Chú trọng cải cách hành chính, tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế

Nhờ sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh An Giang, sự vào cuộc của chính quyền các cấp và nỗ lực của ngành tài chính địa phương, công tác thu NSNN đạt được kết quả tích cực. 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu NSNN từ kinh tế địa bàn tỉnh 4.095 tỷ đồng (đạt 66,22% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 81,4% so cùng kỳ).

Cụ thể, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 264 tỷ đồng (đạt 114,7% dự toán); thu nội địa 3.831 tỷ đồng (đạt 64,35% dự toán). Trong đó, có 15/16 khoản thu đạt và vượt tiến độ dự toán (từ 50% trở lên). Ngoài ra, thu ngân sách địa phương được hưởng 7.052 tỷ đồng. Trong đó, thu từ kinh tế địa bàn 3.588 tỷ đồng, đạt 66,03% dự toán năm; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương 3.464 tỷ đồng.

Công tác quản lý chi ngân sách ngày càng chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc tiết kiệm trong chi tiêu công, điều hành cân đối ngân sách địa phương đảm bảo dự toán được giao, đảm bảo nguồn chi cho con người, bộ máy, chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện chi đúng, đủ theo chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước theo quy định của Luật NSNN.

Sở Tài chính đã chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị dự toán và các cấp điều hành chi ngân sách chặt chẽ, theo đúng dự toán được giao, hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán, triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết. Qua đó, đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của địa phương, đặc biệt chi cho con người, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh và những nhiệm vụ cấp thiết khác, như: Phòng, chống dịch bệnh, thiên tai...

Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2022 là 6.433 tỷ đồng (đạt 40,57% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 124,11% so cùng kỳ), bao gồm: Chi đầu tư phát triển 1.480 tỷ đồng (đạt 28,09% dự toán, bằng 199,37% so cùng kỳ), chi thường xuyên 4.953 tỷ đồng (đạt 48,04% dự toán, bằng 111,53% so cùng kỳ). Về cân đối ngân sách địa phương, trên cơ sở kết quả thực hiện thu NSNN trên địa bàn và rà soát, cắt giảm, hoãn, giãn triển khai nhiệm vụ chi chưa thật cần thiết, sử dụng nguồn lực tại chỗ theo quy định. Theo đó, cân đối ngân sách địa phương cơ bản được đảm bảo; các khoản trả nợ vay được thực hiện nghiêm túc, góp phần giảm nợ công của ngân sách địa phương.

Giám đốc Sở Tài chính An Giang Trần Minh Nhựt nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, ngành tài chính tập trung tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, thực hiện hiệu quả công tác quản lý thu trên địa bàn phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng thu; phối hợp các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số, quản lý chặt chẽ khâu hoàn thuế và tích cực thu hồi nợ đọng… phấn đấu tăng thu NSNN vượt dự toán HĐND tỉnh giao ở mức cao nhất.

Cùng với đó, điều hành chi ngân sách địa phương chặt chẽ, hiệu quả, đúng dự toán được giao, đúng nguồn, đúng chế độ định mức quy định và trên tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí. Đảm bảo nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo dự toán năm 2022, kịp thời thanh toán khối xây dựng cơ bản hoàn thành; đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tăng cường quản lý hiệu quả tài sản công và công tác quản lý giá, thị trường. Ngoài ra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập…

TRUNG HIẾU