An Giang phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế phát triển bền vững

07/07/2023 - 06:54

 - Sự sáng tạo và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã tạo động lực trong hệ thống chính trị và sự năng động, cần cù của các tầng lớp nhân dân… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) trên địa bàn.

Nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội

An Giang là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Tỉnh có diện tích tự nhiên trên 3.500km2, đứng thứ 4/13 vùng ĐBSCL. Dân số An Giang trên 1,9 triệu người (theo kết quả điều tra dân số năm 2019, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu ĐBSCL) với 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm.

Tỉnh có hệ thống giao thông khá thuận lợi (cả đường bộ, đường thủy); hệ thống sông ngòi, kênh rạch đan xen; gần cảng và sân bay Cần Thơ... Đặc biệt, tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vừa khởi công, tạo thêm động lực phát triển cho tỉnh.

An Giang có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi phát triển nông nghiệp, ít chịu tác động của thiên tai, bão lũ; nguồn nước mặt và nước ngầm phong phú, có 2 sông lớn là sông Tiền và sông Hậu; đất đai màu mỡ, 44,5% diện tích là đất phù sa.

An Giang có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, địa danh nổi tiếng di tích Óc Eo - Ba Thê, khu du lịch núi Cấm, khu du lịch núi Sam, rừng tràm Trà Sư... thuận lợi phát triển du lịch. Tài nguyên khoáng sản phong phú, gồm: Đá granit, cao lanh, than bùn và nhiều loại khác.

An Giang có truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng; người dân yêu nước, anh dũng, kiên cường, thân thiện, cần cù, yêu lao động, năng động, sáng tạo. So với các địa phương trong vùng, An Giang có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội và hội tụ đủ các điều kiện riêng có để trở thành tỉnh phát triển của vùng ĐBSCL và cả nước.

Kinh tế - xã hội phát triển

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, 6 tháng đầu năm 2023, tình hình KTXH tỉnh tiếp tục khởi sắc. GRDP quý I tăng 5,31%, cao hơn bình quân chung cả nước (3,32%); 6 tháng ước tăng 6,5%. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt gần 60% kế hoạch. Nông nghiệp tiếp tục phát triển, ước 6 tháng đầu năm tăng 3,29% (cao hơn mức tăng cùng kỳ 2,51%).

Dịch vụ, du lịch tiếp tục phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng 17,6%; 6 tháng đầu năm đón khoảng 6 triệu lượt khách (tăng 15% so cùng kỳ và đạt 75% so kế hoạch). Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng tích cực, ước 6 tháng đầu năm tăng 9,51% (cao hơn mức tăng cùng kỳ 7,21%).

“Công tác lập quy hoạch được triển khai đảm bảo tiến độ. Hạ tầng KTXH, nhất là hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; chính sách cho đồng bào dân tộc, giảm nghèo được triển khai đồng bộ. Quốc phòng - an ninh, biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh vẫn còn một số hạn chế, như: Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa đạt yêu cầu. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thứ 44/63 cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022 thứ 42/63 cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 thứ 54/63 cả nước. Liên kết và hợp tác kinh doanh còn hạn chế, sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu còn khiêm tốn…

Thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng

Để An Giang bứt phá, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, trong buổi làm việc gần đây với Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh cần tận dụng tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

“Chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng lưu ý việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân với các giải pháp: Giảm lãi suất cho vay, miễn giảm thuế, phí, lệ phí, giải ngân đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh để đẩy mạnh đầu tư tư nhân và thu hút FDI, nâng cao chất lượng hàng hóa, nông sản xuất khẩu… Tập trung lãnh, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng - coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Tỉnh chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KTXH. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến. Xây dựng các cụm công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị; thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường; phát triển các sản phẩm đặc thù, riêng có, nhất là du lịch văn hóa, du lịch tâm linh. Tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo.

“Tỉnh cần tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nhất là, triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KTXH, an sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí, khát vọng vươn lên để giảm nghèo nhanh, bền vững” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ.  

THU THẢO