An Giang phát triển dịch vụ logistics

04/07/2023 - 05:59

 -  An Giang với lợi thế có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia dài gần 100km và 5 cửa khẩu thực hiện thông quan hàng hóa, được xem là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh với Campuchia và các nước trong khối ASEAN. Việc phát triển hệ thống logistics là rất cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển.

Lợi thế

An Giang có Tỉnh lộ 957 được nâng cấp, mở rộng kết hợp tuần tra biên giới, cứu hộ, cứu nạn và ngăn lũ, tạo điều kiện thuận lợi trao đổi hàng hóa và liên kết vùng. Bên cạnh đó, Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu giao với Quốc lộ 91, TP. Châu Đốc và điểm cuối tại khu vực cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) đã khởi công. Khi dự án hoàn thành góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng khu vực, thúc đẩy phát triển hoạt động logistics.

Cùng với các quy hoạch được phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực, như: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu, hậu cần logistics... Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân, tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 90 cửa hàng tiện lợi và 189 chợ được phân hạng; 45 chi nhánh, địa điểm kinh doanh, kho hàng hóa. Năm 2022, tỉnh tiếp nhận 48 dự án đầu tư đăng ký mới.

Đã phê duyệt 9 dự án với tổng vốn đầu tư 860 tỷ đồng, gồm 2 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 391 tỷ đồng, 7 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 469 tỷ đồng và chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 1 dự án với tổng vốn 14.096 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh tiếp nhận 17 dự án đầu tư đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 28.139 tỷ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh có 40 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư 305,9 triệu USD, tổng vốn thực hiện 176 triệu USD.

 Điển hình như Công ty Mekong Smart City thuộc Tập đoàn NovaGroup đang đề xuất thực hiện dự án đầu tư Khu phi thuế quan và logistics Vĩnh Xương tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương, quy mô 150ha, gồm: Khu Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương; Khu thương mại và vui chơi giải trí khu vực Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương; Khu quản lý, thương mại và dịch vụ Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương và phần diện tích mở rộng. Đây là dự án lớn, sẽ góp phần phát triển hệ thống logistics của khu vực.

Phát triển hạ tầng

Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thủy, bộ, tỉnh thực hiện nhiều công trình giao thông trọng điểm, kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông, như: Tuyến tránh Long Xuyên; ủy thác quản lý Quốc lộ 91 đoạn từ km51 - km67... Riêng 2 dự án cơ sở hạ tầng giao thông (xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; nâng cấp Tỉnh lộ 949) dài 39,6km, thuận lợi liên kết giữa các vùng thuộc tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp.

Ngoài ra, Khu công nghiệp Vàm Cống đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T thực hiện dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, diện tích 193,31ha. Nơi đây hoàn thành tạo thuận lợi thu hút đầu tư, góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Về kho chứa và bến, bãi tập kết hàng hóa, tỉnh có 45 chi nhánh, địa điểm kinh doanh, kho hàng hóa; 129 điểm phục vụ bưu chính/116 xã, phường, thị trấn; 7 DN kinh doanh kho ngoại quan và bến bãi tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu ở biên giới; 7 cảng thủy, phân bố dọc theo tuyến sông Hậu. Trong đó, cảng Mỹ Thới là cảng biển, với diện tích 39,5ha, công suất thiết kế 4 - 4,750 triệu tấn/năm, là cảng quan trọng của tỉnh, giữ vai trò tập kết hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy ra vào địa phận An Giang.

Ngoài ra, cảng Mỹ Thới còn quản lý hệ thống 7 bến phao neo đậu có thể tiếp nhận các tàu có trọng tải từ 3.000 - 10.000 DWT; hệ thống kho bãi có thể phục vụ lưu kho lên đến 23.500 tấn và bãi đa chức năng có thể tiếp nhận 52.000 tấn hàng hóa các loại.

Cùng với đó là một số cảng nội địa, như: Cảng Bình Long, cảng nhà máy xi-măng An Giang, cảng Công ty Cổ phần bê tông ly tâm An Giang, cảng Gavi (huyện Phú Tân), cảng bốc xếp hàng hóa An Giang, cảng hành khách Châu Đốc. Trong đó, cảng Bình Long có thể tiếp nhận tàu 3.000 tấn, hệ thống kho khoảng 6.000m2 có sức chứa 15.000 tấn hàng hóa.

Đồng thời, tỉnh có 466 bến thủy nội địa phân bố trên các tuyến đường thủy; 9 bến phà, 142 bến khách ngang sông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Ngoài ra, tại Khu kinh tế cửa khẩu An Giang có 5 địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu ở biên giới được Tổng cục Hải quan công nhận.

Theo UBND tỉnh, hoạt động logistics ở An Giang hiện vẫn còn một số khó khăn, như: Hệ thống hạ tầng dịch vụ logistics tại các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ và chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Việc mời gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án vẫn còn hạn chế, thiếu nguồn vốn đầu tư, cải tạo nâng cấp chợ biên giới. Hoạt động logistics còn rời rạc và mới chỉ đang tham gia một phần trong toàn bộ các hoạt động của dịch vụ logistics.

Để phát triển dịch vụ logistics, tỉnh tiếp tục mời gọi đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, sử dụng tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển, kêu gọi vốn trong và ngoài nước đầu tư cơ sở hạ tầng về kho chứa, bến bãi tập kết và trung chuyển hàng hóa, trung tâm logistics… theo hướng văn minh, hiện đại. Tiếp tục xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại các khu vực cửa khẩu với việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình, hạng mục đang triển khai. Nâng cấp, mở mới cửa khẩu, mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới, đặc biệt là hạ tầng phục vụ phát triển logistics, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Vương quốc Campuchia. 

HẠNH CHÂU