Nhiệm vụ phát triển đoàn viên được tập trung ngay từ đầu nhiệm kỳ 2018 - 2023, thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) từ tỉnh đến cấp huyện. Hàng năm, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang ký kết giao ước thi đua với 14 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, khối thi đua CĐCS trực thuộc tỉnh, trong đó có chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.
Đặc biệt, theo đề xuất của một số Đảng ủy cấp xã, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh An Giang thống nhất với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh mở rộng đối tượng kết nạp đoàn viên trong lực lượng công an viên, dân quân, trưởng, phó khóm, ấp (hưởng phụ cấp, sinh hoạt phí từ ngân sách ở xã, phường, thị trấn).
Qua triển khai, nhận được sự đồng thuận cao, sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp của cấp ủy, chính quyền. TP. Long Xuyên, các huyện: Châu Thành, Tri Tôn, Châu Phú, TX. Tân Châu và TX. Tịnh Biên phát huy hiệu quả tích cực, có nhiều giải pháp, cách làm hay, tham mưu cấp ủy chỉ đạo thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, nghiệp đoàn lao động ngành nghề.
Đẩy mạnh thành lập công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Nhật Tiến thông tin, đến tháng 12/2023, toàn tỉnh phát triển mới 44.084 đoàn viên, đạt 222,6% so chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao theo Quyết định 1969/QĐ-TLĐ, ngày 17/12/2018. Toàn tỉnh hiện có 109.978 đoàn viên/114.642 công nhân, viên chức, lao động, đang sinh hoạt tại 1.502 CĐCS, nghiệp đoàn. Trong đó, khu vực ngoài nhà nước có 251 CĐCS, nghiệp đoàn, với 51.035 đoàn viên/55.704 công nhân lao động.
Song song với nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập mới tổ chức công đoàn, công đoàn các cấp luôn chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của CĐCS. Trong đó có việc ký kết quy chế phối hợp giữa Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh An Giang với ban thường vụ huyện, thị, thành ủy giai đoạn 2022 - 2028; thành lập Tổ hỗ trợ CĐCS doanh nghiệp trong thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và đối thoại tại nơi làm việc (do 1 Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh phụ trách).
Công đoàn còn xây dựng, triển khai thực hiện mô hình “Sát cơ sở, gần công nhân”; “3 An” (an tâm, an toàn, an ninh) trong doanh nghiệp có tổ chức công đoàn; Tổ tự quản “Nhà trọ công nhân đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự”; câu lạc bộ tìm hiểu pháp luật trong công nhân lao động tại các tổ tự quản nhà trọ công nhân giai đoạn 2022 - 2025 (19 tổ, 931 công nhân lao động ở trọ)…
5 năm qua, tổ chức công đoàn đã quyết liệt, đổi mới cách nghĩ, cách làm, thường xuyên theo dõi, giúp đỡ CĐCS doanh nghiệp ngoài nhà nước và nghiệp đoàn cơ sở tổ chức hoạt động công đoàn gắn với kế hoạch sản xuất - kinh doanh đảm bảo thiết thực, phù hợp tình hình thực tiễn.
Cùng với đó, nắm sát tình hình tư tưởng, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ; thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, chăm lo đời sống, phúc lợi, thu nhập, việc làm… cho NLĐ, thực hiện ngày càng tốt vai trò đại diện, bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ, khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn các cấp trong tỉnh.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh An Giang, thời gian qua, việc phát triển đoàn viên vượt chỉ tiêu nhưng số lượng đoàn viên giảm khá lớn. 5 năm qua, nhất là giai đoạn dịch COVID-19 kéo dài đến nay, doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn về kinh tế. Một số doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, không tuyển dụng mới hoặc chấm dứt hợp đồng, cho NLĐ nghỉ việc… nên không có nguồn phát triển đoàn viên. Một vài nơi, doanh nghiệp (có trên 25 lao động) chưa ủng hộ, tạo điều kiện thành lập CĐCS, phát triển đoàn viên. Trong khi đó, số lao động làm việc công nhật, không ký kết hợp đồng lao động còn gần 20%…
Thực tế hiện nay, chất lượng hoạt động công đoàn, sinh hoạt đoàn viên ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn hạn chế. Từng lúc, từng nơi, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa sâu sát, hỗ trợ, giúp đỡ CĐCS; nắm tình hình, nguyện vọng đoàn viên, NLĐ... Đội ngũ cán bộ CĐCS hầu hết không chuyên trách, ít tập trung cho hoạt động công đoàn. Vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, NLĐ còn hạn chế, hình thức; một bộ phận NLĐ đời sống, việc làm khó khăn, ít quan tâm tham gia sinh hoạt khi vào công đoàn.
Theo ông Nguyễn Nhật Tiến, kinh nghiệm được đúc kết là tập trung hướng mạnh về cơ sở. Nội dung, hình thức hoạt động của công đoàn phải phù hợp với từng loại hình CĐCS, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đặc biệt, hoạt động công đoàn phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, NLĐ, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần, phúc lợi cho đoàn viên; kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của họ.
Từ kinh nghiệm thực tiễn và đón đầu những thách thức, công đoàn tiếp tục điều chỉnh phương pháp hoạt động, phù hợp điều kiện mới, tiếp tục thu hút NLĐ tham gia vào tổ chức của mình, nhất là trong điều kiện ra đời tổ chức đại diện NLĐ doanh nghiệp.
MỸ HẠNH